WB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 đạt 5,4%
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên tăng trưởng vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.
Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2014 được WB dự báo ở mức khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh.
Tuy nhiên, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khóa bị thu hẹp.
"Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước", báo cáo của WB viết.
“Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4%, vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nói.
Bà cũng cho rằng trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn, do cầu trong nước còn yếu; còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu kinh tế đến đâu.
Báo cáo của WB cũng lưu ý, mặc dù viễn cảnh trước mắt có thể thuận lợi, hiện đang tồn tại những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và tạo ra những động thái ngày càng bất lợi, có thể dẫn đến nghĩa vụ nợ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến các mức không còn bền vững.
Đặc biệt, sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng được WB đánh giá là có thể "làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi".
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo