WHO: 30% dân số thế giới bị huyết áp cao
Số liệu trên được công bố vào ngày 16/5 bởi các chuyên gia sức khỏe, đồng thời họ cũng nhấn mạnh con số mắc bệnh ngày càng tăng ở các nước đang phát triển.
Theo WHO, Canada và Mỹ là hai quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân ít nhất, chỉ vào khoảng 20%, trong khi ở một số quốc gia châu Phi con số này ước tính khoảng 50%.
Tuổi thọ tăng và thay đổi trong lối sống khiến các bệnh mãn tính vốn ảnh hưởng đến các quốc gia giàu có nay đang tác động lên các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Colin Mathers, điều phối viên WHO cho biết: “Chúng tôi đang từng bước thành công trong việc giảm tác động của các bệnh truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong ở trẻ em cũng đang giảm. Điều này đồng nghĩa với việc càng nhiều người sống đến thời kỳ khi các bệnh không truyền nhiễm phát triển”. “Khi con người sống lâu hơn, họ càng có khả năng mắc các bệnh mãn tính”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra những tác nhân chính là béo phì và hút thuốc lá rất hay gặp ở các nước đang phát triển. Đồng thời, sự gia tăng của fast food, thực phẩm đã qua xử lý, lượng muối tăng lên trong sản xuất thực phẩm, tất cả đều là nguy cơ gây bệnh tim mạch và ung thư.
Thống kê của WHO công bố hôm 15/5 cũng đưa ra những con số báo động về tỷ lệ mắc huyết áp và lượng đường trong máu cao (liên quan đến tiểu đường). Cứ 10 người thì có 1 người mắc tiểu đường, đặc biệt khu vực Thái Bình Dương là 1/3.
Bản báo cáo cũng cho biết mức độ béo phì tăng gấp hai trên thế giới từ 1980 – 2008, và hiện nay có khoảng nửa tỷ người (12% dân số thế giới) mắc bệnh béo phì. Tỷ lệ này cao nhất ở nước Mỹ.
Hiệp hội y tế thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO sẽ gặp mặt vào ngày 21/5-26/5 tới tại Geneva để thảo luận các mục tiêu mới trong việc cắt giảm các trường hợp mắc bệnh tim, phổi, tiểu đường và ung thư.
Theo DNSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo