WHO tư vấn người Việt tránh virus cúm chết người
VTC News đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam để có được thông tin mới nhất về virus cúm A/H7N9.
- Cúm A/H7N9 xuất hiện lúc nào?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức nhận được thông báo của Bộ Y tế và Ủy ban Kế hoạch gia đình của Trung Quốc về việc virus cúm A/H7N9 lây nhiễm trên người vào ngày 31 tháng 3 năm 2013. Đây là trường hợp báo cáo đầu tiên về virus cúm A/H7N9 ở người.
Và WHO đang nghiêm túc theo dõi sát sao diễn biến của việc lây nhiễm virus này.
- Cơ chế lây truyền của nó là gì? WHO đã tìm ra nguồn gốc của sự lây nhiễm của virus cúm này trên những bệnh nhân Trung Quốc chưa?
Chính phủ Trung Quốc đang tích cực điều tra nguồn gốc lây nhiễm và tăng cường giám sát để phát hiện, báo cáo và xử lý. Tuy nhiên, vào thời điểm này vẫn chưa biết được nguồn gốc của việc lây truyền.
- Vậy nó có truyền từ người sang người không?
Tại thời điểm này, chưa phát hiện ra việc lây truyền từ người sang người.
- Liệu có nguy cơ nhiễm virus cúm A/H7N9 sang Việt Nam từ gà nhập lậu Trung Quốc?
Việc điều tra về nguồn gốc của nhiễm trùng và phương thức lây truyền vẫn đang được tìm hiểu nên chưa thể khẳng định có nguồn lây nhiễm từ gà nhập lậu Trung Quốc hay không.
- WHO khuyến cáo gì cho cơ quan chức năng và người dân Việt Nam để tránh bị nhiễm virus cúm A/H7N9?
Biện pháp quan trọng là phải cảnh giác với virus này vì nó có thể xuất hiện tại Việt Nam. Gia cầm và sản phẩm gia cầm (trứng) có thể là an toàn nếu sử dụng và chế biến đúng cách. Virus cúm gia cầm sẽ bất hoạt ở nhiệt độ đạt được trong nấu ăn thông thường (70 độ C).
Trong khu vực bị nhiễm virus, các sản phẩm thịt có thể được tiêu thụ một cách an toàn với điều kiện là các mặt hàng được chế biến và xử lý đúng cách trong quá trình chế biến thực phẩm. Việc ăn thịt chưa chín sẽ mang lại nguy cơ lây nhiễm cao. Cần phải giữ thịt sống tách biệt với thực phẩm đã nấu chín.
Không cùng thái thịt sống và chín trên cùng 1 thớt, sau khi dùng thớt phải rửa sạch. Không sử dụng trứng sống hoặc trứng luộc lòng đào.
Cần phải vệ sinh tay: Rửa tay bằng xà bông, cồn, hoặc chất có cồn trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý động vật và chất thải động vật. Vệ sinh tay sẽ phòng tránh lây nhiễm cho chính bạn và người khác.
Vệ sinh đường hô hấp: Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế khi ho hoặc hắt hơi; bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng đóng ngay lập tức sau khi sử dụng, thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.
- WHO hành động gì nếu cúm A/H7N9 có nguy cơ lan rộng tại Việt Nam?
WHO Việt Nam tiếp xúc, trao đổi chặt chẽ về vấn đề này với các nhà chức trách Việt Nam. Nếu virus này lây lan tại Việt Nam, WHO sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng, chống kiểm soát dịch.
Thanh Vân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất