Các nhà làm nội dung số loay hoay chống chọi với vi phạm bản quyền
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại Tọa đàm.
Tại Tọa đàm hiện trạng và giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trong lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) ngày 25/11/2020, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT nhận định, với sự gia tăng các nội dung trực tuyến người xem có thể chọn từ nhiều nền tảng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền bất hợp pháp. Ngoài ra, việc sở hữu và sử dụng nhiều thiết bị di động, cùng với băng thông rộng tốc độ cao và khả năng lưu trữ chi phí thấp đã giúp thúc đẩy xu hướng vi phạm bản quyền kỹ thuật số.
Cũng theo ông Phúc, các hành vi vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các nghệ sĩ sáng tạo, chủ sở hữu quyền, mà còn đe dọa việc sản xuất nội dung và rộng hơn là ngành nội dung. Vi phạm bản quyền kỹ thuật số ảnh hưởng đến toàn bộ mạng phân phối nội dung hợp pháp - từ người tạo ra sản phẩm đến nhà phân phối và đến tận tay người tiêu dùng.
Tác hại tiềm ẩn từ các trang web giả mạo, vi phạm này được ông Phúc nhận định là rất lớn, khiến người truy cập tiếp xúc với nội dung không phù hợp với trẻ em, virus, phần mềm độc hại, gian lận và lừa đảo.
Chặn vi phạm bản quyền như đi “dọn cỏ”
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền, nhưng thực tế chưa có giải pháp nào giải quyết được triệt để vấn nạn này.
Bà Phạm Thanh Thủy, Phụ trách chống vi phạm bản quyền của K+, việc chống vi phạm bản quyền hiện nay mới chỉ thay đổi thực trạng, chưa có giải pháp hiệu quả. Các đơn vị sở hữu nội dung cần sự phối hợp hơn nữa của cơ quan nhà nước để giải quyết vấn đề này. Theo bà Thủy, các nước đi theo xu thế chung là chặn truy cập là hữu hiệu nhất.
Bà Thủy cũng chia sẻ những khó khăn khi xử lý vi phạm bản quyền, trên mạng xã hội YouTube và Facebook livestream rất nhiều nội dung, K+có đội ngũ xử lý ngay lập tức bằng cách report với hai mạng này. Tuy nhiên, hiện nhiều tài khoản Gapo livestream nhưng Gapo không có cơ chế xử lý vi phạm như YouTube và Facebook. K+ đã gửi thư cảnh báo nhiều lần nhưng mạng xã hội này không xử lý các link vi phạm. Trên các ứng dụng app, xử lý dễ report họ xử lý trong vòng vài ngày, nhưng có các file nằm trên các app cài sẵn máy rất khó xử lý.
Trên các website lậu thường xuyên livestream thì các đài đều là nạn nhân của các trang này, có tới hơn 200 web vi phạm. Họ không dùng tên miền trong nước nên không thể tìm thấy, không biết đơn vị đóng ở đâu để xử lý. Với các trường hợp này, K+ gửi thư cảnh báo, nhờ sự trợ giúp của Đại sứ quán Anh để bảo vệ bản quyền giải Ngoại hạng Anh.
Theo đại diện VTVcab, việc xử lý vi phạm bản quyền giống như “dọn cỏ”, có khi vừa gỡ được link này, vài phút sau lại xuất hiện ngay link khác. Phải rất mất công khi cứ đi tìm kiếm đánh giá, cứ mọc lên link nào lại xử lý link đó. Đội ngũ làm việc rất vất vả, đi tìm đi chặn, phối hợp với đối tác nước ngoài lệch múi giờ. Sau khi chặn rồi thì cũng Không chắc chắn được chặn đi rồi bao lâu link lậu lại xuất hiện lại. Một trận đấu diễn ra 90 phút nếu dùng văn bản, đánh giá, trao đổi thì hết trận đấu mất rồi. Trên các trang web lậu tên miền quốc tế cũng chỉ xử lý được 50%.
VTVcab cũng chia sẻ kinh nghiệm khởi kiện ra tòa án khi bị phạm bản quyền Cúp C1-C3. Theo đó, VTVcab khởi kiện 7 đơn vị, 6 đơn vị thừa nhận và xin hòa giải, đăng cải chính công khai liên tiếp 7 số báo do VTVcab chỉ định, gỡ bỏ toàn bộ link vi phạm. Duy nhất thì 1 đơn vị tìm mọi cách để gây khó khăn như: Thay đổi tên công ty, chuyển nhượng công ty, trả lại giấy phép trang tin tổng hợp cho Sở TT&TT, thay đổi tên trang. Hành vi này khiến VTVcab rất mệt mỏi, gây khó khăn cho tòa án. Cho đến khi ra tòa thì đã công ty này đã chuyển nhượng, bán giấy phép cho người khác.
Theo đại diện của Đài PT-TH Vĩnh Long, thì hiện nay mức phạt hành vi vi phạm bản quyền tương xứng, việc xử phạt cũng chưa kịp thời. Khi nội dung của đài bị vi phạm mà đi kiện, cũng cù cưa mất nhiều thời gian. Trong khi nội dung làm mới liên tục, đài chưa kiện xong nội dung A, họ vi phạm tiếp nội dung B.
Sắp thành lập một Liên minh chống vi phạm bản quyền
Theo đại diện VTVcab, các đơn vị sở hữu quyền có thể tự mình gỡ bỏ, tự mình chặn link vi phạm, nhưng muốn giải quyết triệt để phải có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Từ đó đại diện VTVcab cũng đề nghị thành lập một liên minh bảo vệ bản quyền để các đài, các đơn vị có bản quyền xây dựng cơ chế phối hợp với cơ quan nhà nước, từ đó có được “cây gậy” để bảo vệ nội dung, bảo vệ bản quyền.
Đại diện K+ đề xuất hai giải pháp, theo đó người sử dụng là yếu tố quan trọng nhất, các một số nước họ định danh người dùng web, nếu người đó vào các web vi phạm sẽ nhận được thư cảnh báo. Như ở Pháp, Đức đã áp dụng biện pháp này rất hiệu quả, khi 1 người họ tiêu dùng nhiều nội dung vi phạm bản quyền có thể bị phạt tiền rất nặng.
Đại diện Đài PT-TH Vĩnh Long kiến nghị cần tăng mức xử phạt. Bên cạnh đó các ISP có khả năng nắm bắt về kỹ thuật, cần có chính sách hỗ trợ khách hàng, ISP cần có cơ chế tự động kiểm soát nội dung của khách hàng xem có hợp pháp hay không. Đồng thời áp dụng biện pháp kiểm soát nguồn thu của các đơn vị vi phạm, thông qua các ngân hàng nguồn tiền này có hợp pháp hay không.
Đại diện Đài PT-TH Vĩnh Long cũng nêu lên giải pháp các đơn vị sở hữu quyền cần liên kết, liên minh thành lập một đơn vị chính quy để ứng cứu giải quyết nhanh nhất các vấn đề về nội dung. Hiện nay việc xử lý bản quyền mạnh ai lấy làm, nhà nào lo nhà đó, chưa có một đơn vị chính quy. Do đó, rất cần một đầu mối tạo sự tin tưởng cho các nhà làm nội dung, thay đổi chinh sách về chống vi phạm bản quyền.
Trước các kiến nghị này, ông Lưu Đình Phúc cho hay: "Trung tâm bảo vệ bản quyền PTTH và TTĐT thuộc Cục PTTH và TTĐT sẽ ra đời trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong được sự hợp tác của các ISP, hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu quyền và chủ sở hữu quyền".
End of content
Không có tin nào tiếp theo