Xã hội số

Công Vinh khẳng định không quảng cáo cho app cá độ: "Không vì đồng tiền mà làm hại đến người khác và tổn phúc của mình"

DNVN - Tối 1/6, rộ lên thông tin cựu danh thủ Công Vinh quảng cáo cho ứng dụng cá độ bóng đá. Trong lúc cộng đồng mạng xôn xao về câu chuyện này, Công Vinh ngay lập tức gửi lời xin lỗi cũng như đính chính trên trang cá nhân.

Tin nhắn OTT quảng cáo cờ bạc đang “tấn công” người dùng di động / Tất cả sự thật về đồng tiền ảo Pi Network đang quảng cáo tràn ngập Facebook

Thực hư chuyện cựu danh thủ quảng cáo cho ứng dụng cá độ bóng đá

Trong những hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ, Công Vinh xuất hiện trong hai video quảng cáo cho một ứng dụng 'xem bóng đá' trực tuyến. Trong các video quảng cáo, anh khẳng định nhiều lần ứng dụng này "là lựa chọn của mình". Ở một số cảnh quay, cựu danh thủ còn ký vào hợp đồng "đại sứ thương hiệu", nhảy múa và mặc áo in logo nhãn hàng. Theo nội dung quảng cáo, app này là ứng dụng xem bóng đá trực tuyến nhưng trên thực tế, đây là dịch vụ cá độ bóng đá, đánh bạc trá hình.

Thông tin Công Vinh gắn với BK* được sử dụng triệt để nhằm thu hút người chơi

Thông tin Công Vinh gắn với BK* được sử dụng triệt để nhằm thu hút người chơi. (Ảnh: Internet)

Trả lời truyền thông, đại diện Công Vinh xác nhận cựu cầu thủ chính là người trong video quảng cáo cho ứng dụng xem bóng đá trực tuyến BK* Live.

Thông tin Công Vinh gắn với BK* được sử dụng triệt để nhằm thu hút người chơi. Khi truy cập vào liên kết gắn bên dưới video quảng cáo của Công Vinh, người dùng được dẫn đến liên kết tải ứng dụng trên cả hai nền tảng iOS hoặc Android với hơn 20.000 lượt tải xuống. Sau khi tải và truy cập ứng dụng, người dùng sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại để mở tài khoản. Dù được giới thiệu là ứng dụng xem TV trực tuyến nhưng BK* có giao diện đơn giản. App thể hiện lịch thi đấu một số trận bóng đá, nhưng khi truy cập, người dùng không thể xem bất cứ chương trình nào. Thay vào đó, khi nhấp vào banner của ứng dụng, người dùng được dẫn đến một sàn cá cược với nhiều trò từ bầu cua, tài xỉu đến cá độ đá bóng.

Chỉ sau 5 phút đăng ký tài khoản, người dùng sẽ nhận được điện thoại tư vấn từ BK* với đầu số quốc tế. Trong phần tư vấn, nhân viên tổng đài BK* khẳng định tính năng chính của ứng dụng là cá cược bằng tiền thật chứ không phải xem chương trình TV online. Về mặt pháp lý, ứng dụng BK* Live cũng không được cấp phép hoạt động truyền hình OTT tại Việt Nam. Ứng dụng còn tuyên bố chấp nhận tiền USDT từ người chơi, không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

"Họ cam kết chỉ là ứng dụng xem TV online và có tên miền hoàn toàn khác, không liên quan đến cá cược. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được tin các trang web cá cược đang dùng hình ảnh Công Vinh trái phép. Phía Công Vinh đã liên hệ xử lý từ tuần trước nhưng không nhận được phản hồi. Chúng tôi đang thu thập chứng cứ và nhờ luật sư làm việc", đại diện Công Vinh cho biết.

Qua tìm hiểu thì trang web BK* được đăng ký tên miền từ năm 2020. Vì vậy, việc Công Vinh "không biết" đây là ứng dụng cá cược mà vẫn quảng cáo cho thấy khâu kiểm tra trước khi nhận hợp đồng của ê kíp Công Vinh chưa kỹ lưỡng. Ngoài ra, đoạn video quảng cáo được đăng tải từ ngày 6/5. Trong suốt gần 1 tháng, cựu danh thủ hoàn toàn không có phát ngôn gì về việc hình ảnh bản thân xuất hiện cùng ứng dụng cá cược.

Đây không phải lần đầu tiên một cầu thủ nhận quảng cáo cho các "trò may rủi". Năm 2019, hậu vệ Vũ Văn Thanh cũng xuất hiện trong quảng cáo của một sàn cá cược tiền số nhị phân. Nhưng từ đó đến nay, Vũ Văn Thanh không đưa ra bất cứ phát ngôn hay lời xin lỗi nào.

Phản hồi của Công Vinh

Tối 1/6, trên fanpage có gần 3 triệu lượt theo dõi, Công Vinh lên tiếng phủ nhận PR cho app đánh bạc trá hình. Anh nói chỉ ký hợp đồng cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân khi đối tác cam kết đây là một ứng dụng xem bóng đá trực tiếp, không liên quan tới bất kỳ trang cá cược nào. "Chưa bao giờ tôi nhận lời quảng cáo cho bất cứ app cá độ bóng đá nào. Các app cá độ bóng đá đang cố ý sử dụng hình ảnh của tôi trái phép", anh nói.

iii

Công Vinh lên tiếng phủ nhận PR cho app đánh bạc trá hình, chỉ ký hợp đồng cho phép sử dụng hình ảnh cá nhân khi đối tác cam kết đây là một ứng dụng xem bóng đá trực tiếp. (Ảnh: Internet)

Công Vinh khẳng định mình là người rất ghét việc cá độ bóng đá vì đây là hành vi xấu, trái pháp luật. Sau khi nhận được thông tin, đại diện của anh đã làm việc xác minh, nhờ luật sư vào cuộc. Cùng đó, Công Vinh công khai ảnh chụp email làm việc với đối tác ký hợp đồng, tuyên bố chấm dứt hợp đồng, yêu cầu gỡ bỏ mọi hình ảnh, video, phát ngôn của mình trên mọi nền tảng. Nếu trong 24 giờ, việc này không được thực hiện sẽ nhờ đến pháp luật.

Cựu danh thủ nhấn mạnh: "Bản thân Vinh là người rất ghét việc cá độ bóng đá vì đây là hành vi xấu trái pháp luật. Sau khi nhận được thông tin, tuần rồi đại diện của bên Vinh đã làm việc xác minh và nhờ luật sư vào cuộc. Đối với Vinh, việc tiếp tay cho các sản phẩm như vậy chính là hành vi thiếu đạo đức với công chúng. Vinh ý thức được sự ảnh hưởng của mình phải mang lại lợi ích cho người khác, không vì đồng tiền mà làm hại đến người khác và tổn phúc của mình".

Công Vinh cũng khẳng định sau sự cố này sẽ không nhận quảng cáo hay làm đại diện cho bất kỳ ứng dụng bóng đá nào. Hành động dứt khoát và kịp thời của Công Vinh được nhiều người ủng hộ. Anh chia sẻ thêm, thời gian qua đã từ chối rất nhiều lời mời quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, app cá cược... gây hại cho người tiêu dùng.

Chế tài xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật

Thời gian gần đây, tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm bát nháo, không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu lừa đảo đang gây bức xúc dư luận. Trước đó hôm 11/5, diễn viên Nam Thư cùng một số sao Việt khác như Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh... đăng bài viết có nội dung nhắc đến Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa. Các chuyên gia nhận định đây là chiến dịch quảng cáo, kêu gọi đầu tư tiền mã hóa tập trung vào FXT Token. Trong khi đó, đây là loại tiền vô danh, liên quan đến nhóm đầu tư coin đa cấp Lio****, từng bị cảnh báo lừa đảo. Nam Thư sau đó lên fanpage xin lỗi vì hành vi này. Khi bị công chúng chỉ trích, cô đã gỡ bài quảng cáo.

Nhiều sao Việt khác cũng xuất hiện trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên những nền tảng mạng xã hội khác nhau. Sản phẩm được quảng cáo đa phần là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, viên sủi, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm này không "thần kỳ" như các nghệ sĩ miêu tả.

Cuối tháng 5, trước thông tin nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên.

Cục này đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Các đơn vị liên quan cần kiểm tra điều kiện quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm tương tự trước khi thực hiện quảng cáo.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM hôm 20/5 cũng có công văn gửi các hội văn học nghệ thuật trên địa bàn, chỉ rõ thời gian qua xuất hiện tình trạng một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng xã hội sai quy định pháp luật. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM yêu cầu các hội văn học nghệ thuật kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nội dung sai lệch.

Theo các luật sư, hành vi quảng cáo cho trang cá cược trái phép bị cấm tại Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1-90 triệu đồng. Việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

Trong khi đó, quảng cáo cho ứng dụng xem bóng đá miễn phí trực tuyến nhưng thực chất dịch vụ được quảng cáo là mô hình đánh bạc trái phép, trường hợp này có thể xem là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân. Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/6, người có hành vi quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính từ 60-80 triệu đồng cùng với biện pháp bổ sung bao gồm buộc tháo gỡ, xoá quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối về dịch vụ, người vi phạm có thể đối mặt với án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tiền đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm