Xã hội số

Làm thế nào để xuất bản điện tử khỏi bị chết vì nạn vi phạm bản quyền?

DNVN - Đọc sách điện tử được xem là xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại Internet. Tuy nhiên, nạn vi phạm bản quyền sách vẫn diễn ra tràn lan. Các tác giả cần làm gì để bảo vệ tác phẩm của minh khi xuất bản điện tử?

Ebook - một hướng xuất bản mở / Giải pháp bảo vệ bản quyền của Việt Nam Sigma Multi-DRM đạt tiêu chuẩn toàn cầu

Mô hình tự xuất bản điện tử sẽ lấn át xuất bản truyền thống

Theo báo cáo của Waka, nền tảng xuất bản điện tử lớn tại Việt Nam, với mô hình tự xuất bản điện tử, thời gian sách đến tay độc giả sẽ nhanh hơn tới 52 lần so với mô hình xuất bản truyền thống. Với cách xuất bản truyền thống, để ra mắt một cuốn sách, tác giả phải trải qua một số khâu như chờ nhà phát hành kiểm duyệt chất lượng, biên tập, xin giấy phép xuất bản, thiết kế, lên kế hoạch marketing, bán hàng rồi cuối cùng mới phân phối đến bạn đọc. Toàn bộ các khâu này có thể mất từ 7 ngày đến 2 tháng.

Ngoài ra, với mô hình xuất bản truyền thống, tác giả nhận được 10-15% doanh thu, trong khi con số này là 50-70% ở mô hình tự xuất bản sách điện tử.

Với mô hình tự xuất bản điện tử, chi phí để sở hữu một cuốn sách của người dùng thấp do các chi phí lớn như in ấn, phát hành đã được hệ thống phân phối điện tử cắt giảm.

Trên thế giới, Amazon là đơn vị chiếm thị phần tự xuất bản lớn nhất, vượt xa các đối thủ cạnh tranh khác như Apple, Barnes & Noble… trong lĩnh vực tự xuất bản sách điện tử. 6 thị trường tự xuất bản điện tử lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật, Pháp và Đức.

Trung Quốc bắt đầu bùng nổ thị trường tự xuất bản điện tử từ những năm 2013

Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới từ năm 2013. Shanda Literature - nay là China Literature là nền tảng tự xuất bản điện tử lớn nhất ở Trung Quốc. Theo nghiên cứu, người Trung Quốc có thói quen thường xuyên đọc sách, với hơn 80% dân số đọc trên 30 phút/ngày.

Tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000 với sự ra đời của các cộng đồng sáng tác văn học trong nước. Tuy nhiên, thị trường tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc chỉ thực sự bùng nổ từ những năm 2013. Trong đó, vào tháng 6/2013, Amazon gia nhập thị trường Trung Quốc. Đến tháng 7/2013, Cloudary (Shanda) chuyển ưu tiên từ phát triển thị trường tự xuất bản quốc tế sang thị trường trong nước. Sang tháng 8/2013, CNIEPC - tập đoàn xuất bản Trung Quốc - ra mắt nền tảng e-reading riêng, cho phép các tác giả quốc tế gia nhập thị trường Trung Quốc.

Các nội dung tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc rất đa dạng, từ sách điện tử, truyện tranh online, báo điện tử, blog, nhạc, tạp chí…. Trong đó, e-book và truyện tranh online luôn giữ tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục.

Thị trường tự xuất bản điện tử ở Việt Nam cũng có xu thế tương tự. Nội dung về giáo dục online mới xuất hiện từ năm 2015 nhưng cũng có tốc độ phát triển rất nhanh.

Về cơ cấu thể loại nội dung tự xuất bản điện tử ở Trung Quốc, văn học là thể loại nội dung tự xuất bản điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 57,5%, trong đó tỷ lệ truyện hiện đại và truyện cổ đại tương ứng là 23,5% và 17,2%. Ngoài ra, sách điện tử tự xuất bản ở Trung Quốc có nội dung về lịch sử, quân sự, khoa học đời sống….

Tại Trung Quốc, China Literature là nền tảng tự xuất bản điện tử lớn nhất Trung Quốc, vượt xa các đối thủ khác như iRead, Alibaba Literature, Baidu Literature…

lk

Đọc sách điện tử được xem là xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong thời đại Internet.

Lượng độc giả Trung Quốc đọc các nội dung tự xuất bản điện tử liên tục tăng qua các năm, cùng với sự bùng nổ của người dùng Internet, số lượng và thời lượng đọc trên thiết bị điện thoại ngày càng tăng. Kéo theo đó là số lượng tác giả tự xuất bản tại thị trường này cũng tăng cao. Năm 2017, China Literature đã có tới 6,9 triệu tác giả, chiếm tới 88% số lượng tác giả của Trung Quốc, với hơn 10,1 triệu tác phẩm trên trang.

Vào năm 2018-2019, thu nhập trung bình của một tác giả Trung Quốc nổi tiếng là khoảng 1.500 USD/tháng, trong đó độ tuổi trung bình của top 100 tác giả tự xuất bản nổi tiếng nhất Trung Quốc là 37, nhà văn trẻ nhất mới 26 tuổi.

Mới đây, Trung Quốc đã ra những quy định về quản lý Internet, trong đó có những nội dung kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tự xuất bản. Theo đó, các tài khoản công cộng “cung cấp dịch vụ tin tức trực tuyến cho công chúng sẽ phải có Giấy phép Thông tin Tin tức Internet và các phương tiện truyền thông có liên quan khác,” theo một quy định mới được Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan giám sát Internet của quốc gia này công bố.

Vì vậy, WeChat, Baidu, Sohu và các dịch vụ thông tin trực tuyến khác bắt đầu thông báo cho các nhà xuất bản về quy tắc mới. “Nếu tài khoản của bạn không được công nhận phù hợp, bạn không nên chỉnh sửa, xuất bản hoặc bình luận các tin tức về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại hoặc các sự kiện thời sự lớn khác”, WeChat đã gửi thông báo như vậy đến người dùng.

“Nền tảng Tài khoản Công khai WeChat luôn cam kết cung cấp một môi trường trực tuyến xanh, lành mạnh cho người dùng,” thông điệp cho biết thêm.

 

Tiềm năng thị trường e-book tại Việt Nam

Theo nghiên cứu của Waka, Việt Nam có tiềm năng tự xuất bản điện tử lớn. Văn hóa đọc ở Việt Nam đã được hình thành. Nhu cầu và thói quen đọc sách của người Việt rất đa dạng và ngày càng nâng cao.

Xuất bản sách điện tử đang là niềm hy vọng cho ngành xuất bản trong bối cảnh sách truyền thống suy giảm trầm trọng.

Mới đây, tại Hội Sách trực tuyến quốc gia năm 2021 tổ chức vào tháng 4 - 5/2021, lần đầu tiên, Ban Tổ chức đã tiến hành thử nghiệm không gian sách e-book và sàn giao dịch bản quyền, để kết nối các đơn vị phát hành trực tuyến trong nước với bạn đọc, tạo ra không gian giao lưu giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành sách lâm vào tình trạng khó khăn. Các đơn vị phát hành sách hàng đầu Việt Nam như Thái Hà Books, Fahasa, Đinh Tị, Nhã Nam, Đông A, Alpha, Phương Nam... đều gặp khó, doanh số sụt giảm 30 - 50%.

Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2020, ngành xuất bản chịu tác động rất mạnh của Covid-19, đã xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, bằng 92% so với năm 2019, đạt doanh thu 2.700 tỷ đồng, bằng 97% so với năm 2019.

Trước năm 2014, hoạt động sáng tác ở Việt Nam diễn ra tự phát, chủ yếu là vì mục đích chia sẻ cộng đồng, không phải là hoạt động tự xuất bản điện tử. Nhưng từ năm 2014, với sự gia nhập thị trường của các nền tảng xuất bản điện tử, các tác giả đã có thể xuất bản và có được doanh thu từ chính những tác phẩm của mình thay vì chia sẻ miễn phí như trước. Rất nhiều cuộc thi viết đã được tổ chức nhằm thu hút các tác giả tài năng tham gia sáng tác.

Xác định xu thế của e-book, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xuất bản điện tử đạt 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; doanh thu xuất bản điện tử đạt 8 - 10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ đồng); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản sản phẩm điện tử.

Những khó khăn của xuất bản e-book

 

Mặc dù thị trường e-book đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam, song vẫn còn rất nhiều rào cản. Dễ thấy nhất là năng lực và số lượng biên tập viên trong lĩnh vực xuất bản. Hiện tại, số lượng biên tập viên xuất bản sách vẫn ít, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của xuất bản điện tử.

Ngoài ra, một vấn đề lớn trong xuất bản điện tử là tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến, cả ở hình thức sách giấy và sách điện tử, và vẫn có xu hướng gia tăng. Số lượng nội dung sách điện tử có bản quyền vẫn thấp hơn sách điện tử không có bản quyền.

Để bảo vệ bản quyền, các tác giả cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản quyền tác phẩm, chủ động tuyên bố quyền sở hữu đối với những sản phẩm của mình thông qua đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng. Tác giả nên lựa chọn những nền tảng xuất bản đáng tin cậy, có thể bảo vệ bản quyền tác phẩm khi đăng bài. Ngoài ra, tác giả có thể ủy quyền xử lý vi phạm bản quyền cho các tổ chức, đơn vị, nền tảng xuất bản đáng tin cậy để bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của mình.

Để thị trường sách điện tử phát triển và có thể đưa tác phẩm đến với đông đảo độc giả, các tác giả Việt Nam cần nắm bắt xu hướng đọc của thị trường, để tạo ra những nội dung phù hợp với thị hiếu. Tác giả nên lựa chọn những nền tảng tự xuất bản phù hợp với tác phẩm để có thể tiếp cận độc giả nhanh chóng. Đặc biệt, tác giả nên mở rộng phạm vi sáng tác, không chỉ dừng ở e-book mà còn cả Audiobook, truyện tranh, nội dung giáo dục online…

Bên cạnh đó, rất cần có những nền tảng công nghệ đủ mạnh để bảo vệ bản quyền nội dung trên mạng hữu hiệu để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền sách điện tử trên mạng. Khi đó mới có thể kích thích thị trường sách điện tử phát triển xứng với tiềm năng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả.

Hoàng Lan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm