Xã hội

Bình Định tập trung công tác hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch COVID-19

DNVN - Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh công tác hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh trong các buổi làm việc với các sở, ban, ngành địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đà Nẵng: Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục giảm / Quảng Ngãi: Hơn 1.200 công nhân, người lao động đi cách ly tập trung

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong hai năm trở lại đây đã có những tác động nặng nề tới thị trường lao động. Nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là lao động tự do. Vì thế nhu cầu của họ là vấn đề cấp bách và rất cần được quan tâm giải quyết, hỗ trợ chi trả.

Còn nhiều bất cập trong việc hỗ trợ

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Định, tính đến ngày 25/8, 1/11 huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, lập danh sách có 16.328 người thuộc đối tượng lao động tự do đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, với tổng kinh phí gần 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời gian này mới chi trả cho 12.727 đối tượng, với số tiên hơn 19 tỷ đồng.

Về việc triển khai theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì TX. Hoài Nhơn là địa phương tiên phong trong việc chi trả khoản hỗ trợ cho lao động tự do.

Từ ngày 17 – 19/7, Thị xã Hoài Nhơn đã rà soát, lập hồ sơ và thực hiện chi trả ngay cho hơn 2.000 đối tượng và tính đến ngày 25/8, TX Hoài Nhơn đã chi trả cho 4.133 người, với tổng số tiền gần 6,2 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn vì dịch COVID-19 lúc này là rất cần thiết

Hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19 lúc này là rất cần thiết.

Ông Trần Hữu Thảo – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoài Nhơn cho hay, đây là địa phương có lực lượng lao động tự do rất lớn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVDI-19 nên đã yêu cầu các xã, phường phải đẩy nhanh tiến độ, rút gọn quy trình, bảo đảm thời gian xét duyệt hồ sơ không quá 2 ngày. Khâu rà soát, cập nhật danh sách đối tượng được hưởng hỗ trợ vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định.

Hiện, một số cơ quan, đơn vị, địa phương của Bình Định đã chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong thực hiện trình tự, thủ tục tiếp nhận theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, theo nhận xét của UBND tỉnh, việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ tại một số địa phương còn chậm, chưa bảo đảm tính thống nhất chung, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, nhiều địa phương có số lao động tự do được phê duyệt để chi trả hỗ trợ rất thấp như: huyện Hoài Ân chỉ có 108 trường hợp, huyện Tuy Phước có 102 trường hợp.

 

Mặt khác, có một số huyện thực hiện việc chi trả chưa đến 10% số đối tượng được hưởng, như huyện Phù Mỹ duyệt 2.995 lao động, nhưng mới chi cho… 280 lao động.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ - Võ Lê Thi Văn cho biết: “Đối với khâu rà soát, lập danh sách ban đầu ở các thôn, khu phố có phần chưa chặt chẽ nên số lượng được phê duyệt vì thế mà “đội” lên. Qua đây, huyện đã chỉ đạo rà soát, cập nhật lại danh sách, trong đó lưu ý đối tượng được hưởng phải đảm bảo điều kiện “bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo”.

Ông Nguyễn Mỹ Quang – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định chia sẻ.“Công tác tuyên truyền về các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP vẫn còn hạn chế. Nhiều lao động tự do chưa chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang hồi căng thẳng, cán bộ ở cơ sở phân tán, chưa dồn toàn lực cho nhiệm vụ hỗ trợ lao động tự do. Nhiều xã, phường còn lúng túng trong việc xác định đối tượng lao động tự do, không tiếp nhận đơn của người lao động, cơ sở kinh doanh cá thể nên triển khai thực hiện còn chậm. Việc xác định đối tượng lao động tự do rất phức tạp, nhiều người nay ở chỗ này, mai chỗ kia. Một số cán bộ cơ sở có tâm lý thận trọng quá mức, ngại trách nhiệm, sợ sai”.

Không để bà con thiếu ăn

 

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh cần phải tập trung cho công tác hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong các buổi làm việc với các sở, ban, ngành địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Hồ Quốc Dũng: "Các khách sạn, nhà hàng đóng cửa từ lâu, người lao động, người làm vệ sinh buồng, phòng đã thất nghiệp, mất thu nhập nhưng khâu hỗ trợ chưa kịp thời. “Kinh phí đã có sẵn nhưng người được hỗ trợ quá ít. Các đồng chí phải rà soát lại, làm nhanh, khẩn trương để bà con không phải chịu khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. HĐND, Mặt trận các cấp giám sát chặt chẽ công tác này”.

Bà con đang làm thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ

Người dân làm thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ.

Điểm mấu chốt cần quan tâm lúc này là cán bộ xã, khu vực, thôn… cần nắm chắc chắn, đầy đủ các chính sách hỗ trợ để hướng dẫn, tiếp nhận đơn xin hỗ trợ của người lao động tự do. Trong quá trình thực hiện cần phát huy tính chủ động trong hướng dẫn, hỗ trợ đối tượng lập hồ sơ đề nghị hưởng chính sách; phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là ở cơ sở, bảo đảm việc thực hiện chính sách hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

 

Song song đó, các địa phương cần phải cử cán bộ chuyên môn xuống từng xã, đồng thời tăng cường giám sát, hướng dẫn qua nhóm zalo để đẩy nhanh tiến độ lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ trong thời gian đến.

Trường hợp người lao động không được hỗ trợ, UBND dân xã, phường, thị trấn... thông báo và nêu rõ lý do cho chủ sử dụng lao động, người lao động biết.

Có thể thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 đã được tỉnh Bình Định hết sức quan tâm và các địa phương cần phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ các đối tượng trong diện thụ hưởng. Qua đó bảo đảm cuộc sống cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.


Hà Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm