Xăng dầu tăng cao, nhiều ngư dân xứ Nghệ “gác thuyền”
TP Hồ Chí Minh: Sẽ mở tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo / Quảng Ngãi: Mở tuyến vận tải khách đường thuỷ Đà Nẵng – Lý Sơn – Sa Kỳ và ngược lại
Xăng dầu tăng cao, càng vươn khơi càng lỗ
Những ngày đầu xuân, men theo con đường vào cảng Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chỉ tay vào phía những đoàn tàu neo đậu kín hai bên bờ ông Nguyễn Văn Thương (một ngư dân trú tại xã An Hòa) cho biết, gia đình ông có một chiếc tàu đánh cá với công suất hơn 350CV. Trước kia, ông và 7 bạn thuyền thường đi khai thác hải sản xa bờ, nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng cao quá, ông đành “gác thuyền” ở bến. Bởi theo ông Thương, chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 35 triệu đồng. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá thì đủ tiền chi phí, còn không thì lỗ nặng.
Tàu thuyền neo đậu kín ở cảng Lạch Quèn, không ra khơi vì sợ lỗ.
“Xăng dầu tăng cao, kéo theo chi phí một chuyến vươn khơi đội lên rất nhiều. Trong khi đó, sản lượng ra khơi đánh bắt không được nhiều, giá tôm, cá không tăng, sức mua trong dịch COVID-19 cũng giảm hơn trước. Trừ chi phí, mỗi chuyến ra khơi tôi lỗ cả chục triệu đồng. Thua lỗ liên tiếp, thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề. Họ rời quê, vào các tỉnh phía Nam làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động”, ông Thương buồn bã nói.
Tương tự ông Nguyễn Văn Hà (trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cho biết, chiếc tàu 400CV của gia đình mỗi khi đánh bắt xa bờ ít nhất cũng 15- 20 ngày. Mỗi chuyến đi thuyền của ông “ngốn” gần 3.000 đến 4.000 lít dầu. Ngoài ra, phải thuê khoảng 10 bạn thuyền với tiền công 400.000 đồng/ngày.
“Mỗi chuyến ra khơi 20 ngày, tàu 400 CV của tôi cần hơn 4.000 lít dầu, tốn hơn 70 triệu đồng, cộng thêm công lao động, tiền ăn uống, đá lạnh… tổng khoảng 200 triệu đồng. Chi phí tăng cao, càng vươn khơi càng lỗ vốn, gia đình tôi đành “gác thuyền” ở bến” ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cho biết thêm, ngư dân xứ Nghệ đang ở trong vòng luẩn quẩn, nếu vươn khơi sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ, còn để nằm bờ cũng dễ bị hư rồi lại tốn tiền sửa chữa. Không chỉ tàu gỗ, nhiều tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Nghệ An cũng lâm cảnh tương tự, không ra khơi đánh bắt vì thu nhập không đủ trang trải chi phí đành cho tàu “đắp chiếu” nằm bờ.
Nguy cơ thiếu lao động nghề biển
Theo ông Thương, không chỉ giá cả leo thang, chi phí cho mỗi chuyến biển không đủ trang trải, trả lương cho nhân công, nhiều chủ thuyền ở Nghệ An còn gặp khó khi tìm “bạn biển”. Nghề biển thu nhập bấp bênh, khiến lao động trẻ ở địa phương lâu dần không mặn mà với nghề. Họ rời quê, vào các tỉnh phía Nam làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động.
Nghề biển bấp bênh, nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghề.
Anh Nguyễn Văn Hải (27 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu) cho biết, nghề đi biển rất vất vả đòi hỏi chủ thuyền phải lựa chọn người khỏe mạnh, làm được việc, mỗi chuyến đi các tàu cần 7-10 bạn biển. Nhưng nay, để tìm được bạn đi biển rất khó bởi lao động trẻ ở địa phương theo thuyền nhiều năm, nắm rõ công việc, ngư trường nay đều đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động. Còn nếu tìm được “bạn biển” mà chuyến ra khơi thua lỗ thì không đủ trả tiền công.
Theo anh Hải, nếu ở nhà đi biển không đủ trang trải cuộc sống, anh sẽ làm thủ tục để đi nước ngoài. Sang Đài Loan cũng đi biển mỗi tháng còn kiếm được 20-30 triệu đồng, Cả làng giờ thanh niên đều làm hồ sơ đi xuất khẩu cả, người không đi được cũng bỏ tàu, kiếm nghề khác.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện có khoảng 1.000 tàu cá, trong đó có hơn 400 tàu dài hơn 15 m, đánh bắt xa bờ.
"Giá cả leo thang, các chủ tàu không dám ra khơi vì sợ thua lỗ. Trong khi đó, số lao động trẻ tại địa phương đi xuất khẩu lao động hoặc làm công ty, không theo nghề biển khiến chủ tàu gặp khó khi vươn khơi", ông Dinh lo lắng.
Gỡ khó khăn để ngư dân tiếp tục bám biển
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết Nghệ An có hơn 3.400 tàu thuyền (T.X Hoàng Mai 885 tàu, huyện Quỳnh Lưu 585 tàu và huyện Diễn Châu có 497tàu) trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với đội ngũ hơn 17.000 lao động nghề biển, đây là một trong những tỉnh chủ trọng phát triển nghề biển.
Tuy nhiên, hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn, bằng 6,85% so với kế hoạch năm, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022 Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.
Ông Thương lo lắng nếu giá giá xăng, dầu ngày càng tăng cao ngư dân sẽ "gác thuyền", bởi ra khơi sẽ không thể bù lỗ.
“Giá các mặt hàng tăng cao trong khi ngư trường thu hẹp, dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn đã ảnh hưởng hiệu quả kinh tế nghề biển, lực lượng lao động cũng vì thế chuyển đổi nghề. Dù đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân bám biển song điều sâu xa nhất là mỗi chuyến biển phải có thu nhập cao thì ngư dân mới yên tâm vươn khơi”, ông Học nhấn mạnh.
Theo ông Học, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thủy sản và các chủ tàu yên tâm vươn khơi tỉnh Nghệ An đã giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.
Còn ông Chu Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho rằng, để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, ngoài các chính sách của tỉnh Chi cục cũng đang nỗ lực làm tốt công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Bên cạnh đó nắm bắt thời tiết dự báo ngư trường cho bà con, hỗ trợ máy thông tin tầm xa, tời thủy lực...
End of content
Không có tin nào tiếp theo