Xu hướng học nghề và lợi thế so sánh
Thúc đẩy phong trào sáng tạo thiết bị đào tạo từ cơ sở / Chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động
Những chính sách hỗ trợ
Nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong những năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp. Chương IV, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định hoạt động Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển kỹ năng. Trong đó, quy định chính sách phát triển, phân bổ nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình…
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 quyết nghị chính sách phát triển nguồn nhân lực: “Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển”.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề;…
Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, đặt ra nhiệm vụ “Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề”.
Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề các cấp. Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 – 2030…
Dựa trên những chính sách cụ thể đã được ban hành, hầu hết các đối tượng học sinh, sinh viên và người lao động, nhóm đối tượng yếu thế, lao động nông thôn,… đều có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề.
Cơ hội cạnh tranh nghề nghiệp
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), hiện toàn ngành đang đào tạo khoảng 825 nghề trình độ trung cấp, 559 nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Bên cạnh đó còn đào tạo hàng nghìn nghề trình độ sơ cấp, chương trình đào tạo ngắn hạn phục vụ nhu cầu sinh kế và phát triển kinh tế cho người dân.
Những ý kiến chuyên gia cho thấy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ hấp dẫn, lợi thế của việc tham gia giáo dục nghề nghiệp còn được thể hiện rõ khi đào tạo gắn với vị trí việc làm, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Ngày nay tấm bằng đại học không còn là tấm vé thông hành cho các cử nhân khi thị trường lao động đang bị bão hòa. Những ứng viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề với lợi thế về kiến thức cũng như kỹ năng được đào tạo bài bản đang có những cơ hội lớn trong việc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội và phát triển nghề nghiệp.
Các nghiên cứu của tổ chức Lao động Quốc tế cũng chỉ ra rằng kỹ năng chuyên môn và năng lực sáng tạo làm tăng cơ hội việc làm, nâng cao năng suất lao động và thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo ra giá trị cho xã hội. Phát triển kỹ năng lao động Việt Nam vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội cho mỗi người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo