Tin tức - Sự kiện

Xác định lại tiêu chí thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ đã đề xuất áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thấp hơn 3% so với thuế suất phổ thông. Ghi nhận ưu đãi này của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, song nhiều ý kiến chưa đồng tình với các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng mức thuế suất đó.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định hai tiêu chí xác định đối tượng được hưởng mức thuế này. Đó là doanh nghiệp có dưới 200 lao động làm việc toàn thời gian và doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Số lao động và doanh thu được xác định dựa trên bình quân của hai năm trước liền kề.
 
Theo Tờ trình của Chính phủ, tiêu chí lao động được đưa ra do vận dụng quy định của Nghị định số 56 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiêu chí doanh thu dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu theo dõi, cập nhật hết năm 2009 của 63 Cục thuế và 75 Chi cục thuế lớn.
 
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thì đa số các nước sử dụng đồng thời 2 tiêu chí trở lên để xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông. Ví dụ Pháp sử dụng tiêu chí doanh thu và thu nhập; Lithuania sử dụng tiêu chí lao động và thu nhập; hoặc Trung Quốc sử dụng đồng thời 3 tiêu chí về số lao động, doanh thu và tổng tài sản.
 
Mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cho là phù hợp với thông lệ trên thế giới. Bởi nhiều quốc gia trên thế giới có quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn.
 
Trong đó, Trung Quốc quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%. Thái Lan quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 15% trong khi mức thuế suất phổ thông là 23%. Malaysia cũng quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%.
 
Ngoài ra, việc áp dụng mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy chiếm phần lớn cộng đồng doanh nghiệp nước ta, nhưng đóng góp cho ngân sách không lớn nên sẽ ít ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách Nhà nước.
 
Tuy nhiên, tại các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến về dự án Luật này đã có nhiều ý kiến chưa đồng tình với hai tiêu chí xác định doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất này. Nguyên nhân đầu tiên có thể thấy từ chính Nghị định 56 của Chính phủ - là một căn cứ được cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng trong việc xác định tiêu chí lao động.
 
Nghị định này quy định đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thì doanh nghiệp có vốn dưới 100 tỷ đồng, lao động dưới 300 người được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, thì có vốn dưới 50 tỷ đồng, lao động dưới 100 người được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Nghị định 56 cũng định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa được chia thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, trong đó tổng nguồn vốn là tiêu chí được ưu tiên xem xét trước. Quy định này áp dụng thống nhất từ năm 2009 đến nay và tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị như vậy cũng từ những bất cập trong thực tế triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nghị quyết 02 của Chính phủ cũng quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng.
 
Các doanh nghiệp cho rằng, nếu áp dụng theo Nghị quyết 02 thì đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56 đã không còn thuộc đối tượng hỗ trợ. Thực tế cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp có lao động dưới 200 người nhiều, nhưng doanh thu của những đơn vị như vậy thường cao hơn mức 20 tỷ đồng. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có quy mô lao động 199 người mà doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm thì có nghĩa là đang thua lỗ hoặc sắp phá sản. Như vậy, chính sách sẽ không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ta như kỳ vọng.
 
Việc đề xuất áp dụng sớm mức thuế suất 20% cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được cho là phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu góp phần thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc hai tiêu chí xác định doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất 20% khi không tương thích với quy định đang phát huy tác dụng trên thực tế. Mặt khác, chính thực tiễn cũng đã có câu trả lời với quy định này. Đó là sẽ không nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách của Nhà nước nếu áp dụng theo các tiêu chí nêu trên.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo