Hơn ba tháng qua kể từ ngày 7-7, khi giá xăng A92 bán lẻ ở mức đỉnh điểm 25.640 đồng/lít, giá xăng đã giảm liên tục tám lần với tổng cộng 3.300 đồng/lít.
Thế nhưng điều khó hiểu là rất nhiều dịch vụ, hàng hóa “ăn theo” mặt hàng này trước đây nay vẫn “bình chân như vại”.
Nếu như trước đây xăng dầu tăng, doanh nghiệp (DN) tăng giá theo rất nhanh kèm với lý do bị lỗ thì giờ đây xăng hạ, phản ứng của họ tỏ ra rất chậm, với các lý do lái sang hướng khác ngoài xăng.
“Dầu giảm chưa nhiều để hạ cước vận tải”
“Xăng giảm nhiều lần vậy nhưng tính ra có vài ngàn, đáng bao nhiêu đâu”, hầu hết tài xế chạy xe tải lẻ tại TP.HCM đều báo giá với mức như ngày thường lúc chưa giảm giá xăng.
Theo họ, việc phải chở đúng tải và cạnh tranh gay gắt giữa các hãng xe đã khiến giá xuống sát sàn rồi và nếu có giảm, chỉ các hãng lớn, chạy các tuyến rất dài và thường xuyên may ra mới hưởng lợi nhiều nhờ xăng dầu giảm liên tiếp tám lần vừa qua.
Tuy nhiên, các hãng vận tải đường dài cũng không coi việc xăng dầu giảm nhiều vừa qua như một động lực đáng kể để giảm giá cước.
Công ty TNHH vận tải và giao nhận Toàn Nhất (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn duy trì giá cước của cách đây mấy tháng, khi xăng còn ở đỉnh cao.
Theo đó, giá cước vận tải đường bộ cho chuyến hàng khoảng 10 tấn từ TP.HCM ra Hà Nội với chủng loại hàng nặng vẫn có mức cước khoảng 3,5 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Văn Quân, phó giám đốc Công ty Toàn Nhất, cho biết giá cước vận tải hiện nay chủ yếu chịu tác động từ việc chở đúng tải trọng theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các hãng chủ yếu điều chỉnh giá theo mặt bằng chung, nhìn vào giá cả của các hãng cạnh tranh để điều chỉnh nhằm giành khách hơn là tính toán chuyện xăng dầu tăng giảm.
Ông Quân cũng thừa nhận trong những lần điều chỉnh trước đây theo diễn biến xăng dầu, chủ yếu các hãng vận tải tăng giá khi giá xăng tăng và thường không giảm khi giá xăng giảm.
Tình trạng chung của các hãng vận tải cũng tương tự, đều tính giá cước vận chuyển cho khách như chưa hề có việc xăng dầu đã giảm giá tới tám lần.
“Xăng dầu giảm chút đỉnh có đáng kể gì so với hàng loạt thứ đầu vào đều tăng, nhất là khi phải chở đúng tải trọng chứ không quá tải như trước kia”, là giải thích của các hãng vận tải, dù hầu hết họ đều thừa nhận trong hoạt động vận tải xăng dầu chiếm tới 40-60% tổng chi phí.
Xu thế này trái ngược với phản ứng của các DN vận tải trong những lần xăng dầu tăng giá trước đây. Khi đó các DN vận tải nhanh nhảu kêu lỗ, làm con tính thu không đủ bù chi dọn đường cho động thái cuối cùng là tăng giá cước vận tải.
“Khi mình đòi hạ giá cước theo đà giảm xăng dầu, các đối tác đều kêu giờ làm ăn quá khó, nhiều khi chở hàng bấm bụng chịu lỗ, xăng dầu hạ chút chỉ dễ thở hơn thôi. Nói vậy đâm ra cũng đành chịu” - anh Phạm Hồng Hà, giám đốc Công ty xây dựng Hồng Hà tại Q.Gò Vấp, cho biết.
Taxi chưa tính chuyện giảm giá
Không chịu tác động của việc giảm trọng tải theo quy định mới, song hiện tại các hãng taxi tại TP.HCM cũng vẫn chưa tính tới chuyện giảm giá. Giá cho kilômet đầu tiên mở cửa xe loại bảy chỗ của taxi Vinasun vẫn là 18.500 đồng cho lộ trình dưới 30km.
Với những tuyến dài, các hãng vẫn báo giá như cũ, không giảm. Hỏi giá từ TP.HCM đi Vũng Tàu theo tuyến đường cao tốc 110km qua hướng Cát Lái (Q.2, TP.HCM), Hãng taxi Vinasun báo giá một chiều đi là 1.420.000 đồng với loại xe có một dàn máy lạnh.
Giá này không bao gồm phí cầu đường và nếu đi “lố” thì mỗi kilômet tính thêm 12.000 đồng. Như vậy, cả mức giá đường ngắn, đường dài và giá tính thêm cho việc đi “lố” đều không giảm so với thời điểm xăng chưa giảm giá.
Theo ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, giá taxi của hầu hết các hãng đều giữ như mức cuối năm 2013 tới nay, không thay đổi dù giá xăng dầu tăng khá nhiều đợt với mức tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2014.
Ngoại trừ một vài hãng điều chỉnh giá cho một vài dòng xe riêng của mình.
“Thời gian gần đây, nói là xăng dầu giảm 7-8 lần nhưng tính ra mức giảm không phải nhiều và nếu bù trừ với những lần tăng thì chênh lệch càng không đáng kể để có thể điều chỉnh giá cước taxi” - ông Hỷ giải thích.
Hàng hóa vẫn giữ giá cũ
Cũng có xăng dầu là một đầu vào quan trọng trong hạch toán chi phí, song các DN ngành xây dựng cũng đang quên đi thực tế xăng dầu giảm và được thông báo rộng rãi tám đợt vừa qua.
Ðại diện Công ty kiến trúc xây dựng Nhà Vui tại Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết cũng như nhiều DN cùng ngành, họ chưa tính chuyện điều chỉnh đơn giá thi công khi xăng dầu hạ, dù thứ đầu vào này chiếm đáng kể trong tổng chi phí xây dựng dân dụng, từ ép cọc, máy xúc, xe cẩu, xe trộn bêtông, máy đầm...
“Nghe xăng dầu giảm thì cũng coi như đó là chuyện nội bộ với nhau, để vui chút trong bụng thôi, coi như đỡ chút chi phí. Còn giá chủ yếu áp theo mặt bằng chung trong ngành. Hơn nữa, đơn giá thi công phụ thuộc nhiều hơn vào giá nhân công và vật liệu xây dựng” - vị này giải thích.
Khảo sát một loạt cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM, xu hướng “duy trì giá ổn định như cũ” vẫn là tình hình chung.
Ông Nguyễn Bá Chung, trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH dịch vụ xây dựng thương mại Song Phương (đường Tây Thạnh, TP.HCM), cho biết giá các mặt hàng chính như ximăng hay sắt thép đều giữ nguyên như cách đây vài tháng, khi xăng dầu còn ở mức cao.
Chẳng hạn, giá thép cây Pomina loại phi 6 vẫn ở mức 14.450 đồng/kg. “Xăng dầu cũng có tác động, nhưng các mặt hàng này chủ yếu chịu ảnh hưởng của việc phải vận chuyển đúng tải trọng. Do vậy giá không thay đổi gì so với cách đây mấy tháng” - ông Chung cho biết.
Trước đó ngày 23-7, Công ty thép Pomina đã công bố tăng giá thép thêm 100.000 đồng/tấn, nâng giá bán thép tại TP.HCM lên khoảng 14,9 triệu đồng/tấn và đó là lần tăng giá thứ hai kể từ đầu năm 2014.
Trong lần tăng giá đó, công ty này cho biết nguyên nhân chính là do giá xăng tăng đã làm tăng chi phí vận chuyển nên giá bán ra cũng phải được điều chỉnh theo.
Hồi xưa giá cước cũng điều chỉnh lên xuống theo giá xăng, nhưng giờ xăng tăng giảm nhiều lần quá, nhanh quá nên điều chỉnh thấy bất tiện. Mà tăng giảm hoài không còn mấy ai để ý nữa nên cũng không DN nào sửa giá theo làm gì
Ông NGUYỄN VĂN QUÂN (phó giám đốc Công ty vận tải và giao nhận Toàn Nhất)
Không giảm cũng không làm gì được
Lý giải về vấn đề vì sao các DN sắt thép vẫn “án binh bất động” dù giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm, phụ trách kinh doanh một DN sản xuất thép cho rằng hiện chi phí xăng dầu không phải là chi phí chính trong cơ cấu tính giá thành sản phẩm, “mà phải là điện hoặc gas, nhưng cũng chỉ chiếm một cơ cấu rất nhỏ trong giá thành sản xuất”.
Với ngành ximăng, do đặc thù phải lệ thuộc vào các DN vận tải rất lớn, nhưng từ khi chính sách siết tải trọng làm quá chặt thì mọi chi phí đều luôn trong tình trạng phải “tính đúng, tính đủ” cho giới chạy xe, bất kể chi phí xăng dầu có hạ hay không.
Theo tính toán của một trưởng phòng tài chính DN ximăng N, nếu lúc trước chi phí vận tải mất khoảng 130.000 đồng/tấn nhưng chở được đến 50 tấn (tương ứng khoảng 6,5 triệu đồng/chuyến), thì bây giờ cho dù cước đã tăng trung bình lên 230.000 đồng/tấn nhưng chỉ còn chở được 20 tấn (khoảng 4,6 triệu đồng/chuyến).
“Vì vậy cho dù giá xăng dầu đã hạ liên tục trong thời gian qua, nhưng nếu cộng bình quân tổng các lần điều chỉnh giá xăng giảm giới vận tải hàng nặng cũng khó hạ giá cước” - vị này chia sẻ.
Đồng tình với tình trạng “ngó lơ” không chịu hạ giá cước của các DN vận tải, ông Ngô Đức Hòa - phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Thắng Lợi - cho biết đến nay vẫn chưa thấy DN vận tải nào nhanh nhảu thông báo hạ giá vận chuyển như hồi giá xăng tăng.
“90% chi phí vận tải chúng tôi phải thuê bên ngoài, khoảng 3-5 tỉ đồng/tháng. Họ không hạ giá cũng không làm gì được vì hầu như không ai hạ, nên cũng không thể bỏ chỗ này để đi kêu chỗ khác được” - ông Hòa ngao ngán nói.
Theo Tuổi Trẻ