Xăng dầu nặng gánh thuế, phí: Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo tính toán, tổng các loại phí và thuế mà người tiêu dùng (NTD) đang phải gánh chiếm gần một nửa trong cơ cấu giá xăng bán lẻ hiện nay. Và với việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới (có hiệu lực từ 1/5), NTD sẽ phải trả thêm gần 25,3% so với mức thuế đang chịu. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là sau ngày 1/5, giá xăng có bị ảnh hưởng từ thuế BVMT mà tăng hay không?
Gần 10.000 đồng các loại thuế, phí/lít xăng
Với cơ cấu tính giá xăng dầu hiện nay (như thuế suất thuế nhập khẩu: 35%; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt: 10%; VAT: 10%, thuế BVMT: 1.000 đồng/lít, trích lập Quỹ Bình ổn giá: 300 đồng/lít, chi phí kinh doanh định mức: 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức của các DN xăng dầu…), thì theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tổng các loại phí, thuế mà mỗi người dân phải gánh khi mua mỗi lít xăng vào khoảng 7.888 đồng. Nếu thuế BVMT đối với mặt hàng xăng tăng 300%, thì tổng mức thuế, phí NTD sẽ phải chịu tương đương gần 10.000 đồng/lít.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng mức thuế BVMT cộng với giá xăng trong nước cũng mới được điều chỉnh tăng 1.610 đồng/lít sẽ tác động không nhỏ đến mặt hàng này. “Cùng lúc tăng cả thuế và giá xăng dầu nhiều như vậy là bất hợp lý với NTD. Ở Việt Nam, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế (chiếm tới 40 – 50% chi phí sản xuất, 10 - 15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa" - ông Long chia sẻ.
"Chính phủ có thể nghiên cứu xóa bỏ mức đóng thuế cho Quỹ bình ổn để chuyển sang áp thuế cho quỹ BVMT. Thực hiện được điều này sẽ nhận được sự đồng tình của người dân nhiều hơn nữa bởi tâm lý thoải mái hơn khi bỏ tiền ra đã có những đóng góp thiết thực cho xã hội" Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Trên thực tế, mới đây, các hãng hàng không cho biết, việc kinh doanh càng khó khăn hơn khi thuế BVMT với xăng dầu sẽ tăng từ 1.000 đồng hiện nay lên 3.000 đồng/lít kể từ ngày 1/5. Theo ước tính của đại diện Vietnam Airlines, ảnh hưởng của việc tăng thuế BVMT với hãng là 750 tỷ đồng; với Jetstar Pacific là 150 tỷ đồng và với Vietjet Air là 350 - 400 tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc DN vận tải Sao Việt cho biết, do giá xăng mua vào cao nên phía các DN vận tải trước sau cũng phải tăng giá cước. Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh cước vẫn chờ sau ngày áp dụng chính thức mức thuế BVMT mới.
Đại diện một DN xăng dầu bày tỏ, trong thuế tiêu thụ đặc biệt đã bao gồm nội dung phí môi trường. "Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu với cuộc sống nên nếu xếp vào mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, thuốc lá... thì việc gánh phí tiêu thụ đặc biệt có phần hơi thiệt thòi, có thể khiến mức giá xăng bị tăng lên, ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ của các DN xăng dầu” – vị đại diện này nhận xét.
Sử dụng hợp lý các công cụ điều hành giá
Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế BVMT sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu, lý do là khi Việt Nam gia nhập thị trường ASEAN, theo cam kết, thuế suất trần nhập khẩu xăng dầu tối đa là 20%. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm “Điều hành giá theo thị trường: Nhìn từ giá xăng và giá điện”, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để không tác động đến giá bán lẻ xăng dầu như thế nào sẽ được đặt trong bài toán tổng thể và không phải là giảm ngay”.
Thực tế, ở thời điểm hiện tại, thuế nhập khẩu xăng dầu có 2 mức khác nhau. Mức thuế ưu đãi hiện hành là 35% đối với xăng, dầu mazut (FO), dầu hỏa; 30% đối với dầu diesel (DO); 25% đối với xăng máy bay và nhiên liệu bay. Riêng hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc, áp thuế thấp hơn từ 5 - 35% tùy mặt hàng. Ông Thi cho biết, 2 biểu thuế trên vẫn được áp dụng song song đối với mặt hàng xăng dầu. Nếu DN có các giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ xăng dầu từ các nước này sẽ được hưởng mức thuế 5% - 20%. Nếu không sẽ áp theo mức thuế theo Thông tư số 03/2015/TT-BTC là 35%. Để được hưởng ưu đãi thuế 20%, DN cần có đủ các điều kiện như mặt hàng thuộc biểu thuế ưu đãi, được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN và vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN. “DN phải chứng minh được các điều kiện mới được áp mức thuế ưu đãi và giá xăng bán lẻ trong nước sẽ tính toán dựa vào mức thuế đó” - ông Thi nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, xu hướng giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới đang tạo cơ hội rất lớn cho nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, cơ hội này có đến hay không phụ thuộc phản ứng chính sách về thuế xăng dầu.
Theo một số chuyên gia, trong điều hành giá xăng dầu có các công cụ như thuế, phí, Quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức. Do đó, trong điều kiện hiện nay, cần lưu ý xả van thế nào để giá phù hợp, ở tùy từng giai đoạn, từng thời điểm. Cần đảm bảo làm sao để điều hành giá xăng dầu bằng van thuế, phí, Quỹ bình ổn hoặc thậm chí xem xét lợi nhuận định mức để chia sẻ với NTD và hài hòa lợi ích của DN. “Bộ Tài chính nói tăng thuế nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Như vậy, phải “nói được làm được” thì mới tạo được niềm tin cho người dân” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo Kinh tế và Đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo