Theo lý giải của liên Bộ Tài chính - Công thương, việc tăng giá xăng là để giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Ngày 20/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc điều hành kinh doanh xăng dầu. Theo đó, ngoài việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và sử dụng Quỹ bình ổn, Liên Bộ Tài chính – Công thương cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá bán đối với một số mặt hàng xăng dầu.
Theo thông tin trong văn bản của liên bộ cho biết, thời gian gần đây giá xăng dầu thế giới biến động tăng liên tục (tính bình quân 15 ngày gần đây từ ngày 3/05 đến ngày 17/5 cho thấy giá các chủng loại xăng dầu ở mức: Ron 92: 80,889 usd/thùng; dầu diesel 005S: 79,116 USD/thùng; dầu hỏa: 78,837 USD/thùng; dầu madut 180 cst 3,5S: 394,4 USD/tấn.
So sánh 15 ngày nói trên với bình quân 15 ngày làm căn cứ điều hành giá xăng dầu ngày 5/5/2015 thì giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm đã tăng mạnh từ 4,17% đến 7,92%) khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 20/5/2015 chênh lệch so với giá bán ở mức: Xăng RON 92: cao hơn 2.254 đồng/lít; Xăng E5: cao hơn 2.089 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: cao hơn 1.070 đồng/lít; Dầu hỏa: cao hơn 782 đồng/lít; Dầu mazut 3.5S: cao hơn 1.127 đồng/kg.
Ngoài ra, giá bán xăng RON 92 hiện nay tại Campuchia là 22.344 đồng/lít, tại Lào là 22.988 đồng/lít, tại Trung Quốc là 20.296 đồng/lít, đều cao hơn giá bán xăng RON 92 tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, nhằm thực hiện quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ để giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới cũng như nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, Liên Bộ Tài chính – Công thương cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá bán đối với một số mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, Liên Bộ quyết định, Giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu: Giảm thuế nhập khẩu dầu diesel 2%, từ 12% xuống còn 10%; Giảm thuế nhập khẩu dầu hỏa 7%, từ 20% xuống còn 13%; Giảm thuế nhập khẩu dầu mazut 3%, từ 13% xuống còn còn 10%, mặt hàng dầu diezel, dầu diezel sinh học (B5, B10) giảm từ 12% xuống 10%; Mặt hàng nhiên liệu bay, xăng máy bay giữ nguyên mức 10% (Quy định tại Thông tư số 78/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính, áp dụng từ ngày 21/5/2015).
Đồng thời công bố giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ mặt hàng xăng dầu mức cụ thể: Xăng khoáng: 1.054 đồng/lít; Xăng E5: 889 đồng/lít; Dầu diesel: 328 đồng/lít; Dầu mazut: 324 đồng/kg.
Sau khi giảm thuế, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ mặt hàng xăng dầu như trên, Bộ Công thương công bố: Tăng giá mặt hàng xăng dầu: Xăng khoáng: 1.200 đồng/lít; Xăng E5: 1.200 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: 500 đồng/lít; Dầu mazut 3.5S: 500 đồng/kg.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng 3 lần, đội lên mức 4.800 đồng/lít. Trước tình trạng giá xăng tăng liên tục, điệp khúc “giảm ít, tăng nhiều”, người tiêu đang tỏ ra nghi ngờ về sự “hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân” như liên Bộ lý giải.
Hòa Hậu