Xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc: “Không bắn súng lục vào quá khứ”
Đàn Xã Tắc đã được xếp hạng di tích đặc biệt.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tại cuộc giao ban báo chí chiều ngày 15/4 khi đề cập tới phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
“Bảo tồn và phát triển phải hài hòa”
Trước câu hỏi, liệu việc xây cầu vượt chạy qua Đàn Xã Tắc đã được tính toán kỹ lưỡng chưa, và có nhiều chuyên gia cho rằng có thể gây ảnh hưởng tới di tích?
Ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: “Các đồng chí lãnh đạo thành phố đang lắng nghe ý kiến từ nhiều phí, mọi ý kiến đóng góp đều được ghi nhận. Chúng ta đều thấy rằng năm 2012 thành phố xây xong một số cầu vượt tại các nút giao thông thì đã giải quyết rất tốt tình trạng ùn tắc và được nhân dân hoan nghênh. Quan điểm chung của lãnh đạo thành phố là bảo tồn giá trị lịch sử, những gì đã ghi dấu ấn từ thế hệ cha ông, điều đó là rõ ràng không phải bàn cãi. Cho nên sự phát triển luôn phải hài hòa với sự bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của đất nước.”.
Theo quan điểm của ông Long thì nếu có phải hy sinh một chút gì đó cho sự phát triển của con cháu thì chúng ta vẫn phải chấp nhận. Chúng ta không bắn súng lục vào quá khứ, nhưng rõ ràng chúng ta phải thiên về một lựa chọn có lợi hơn.
Ông Long phân tích thêm, một đô thị muốn có giao thông hiện đại để phục vụ cho chính đời sống của nhân dân thì phải có các đường vành đai. Hà Nội mới có 3 đường vành đai, và phần lõi tức là đường vành đai 1 thì đang vướng vì nhiều lý do và Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm của thành phố đã được giao nhiệm vụ là tìm mọi phương án để thông được vành đai 1 thì mới cải thiện được tình hình giao thông căng thẳng trong nội đô nhiều năm qua.
Tuy nhiên, chúng ta lại có những biện pháp bảo tồn khác, đó là phim, ảnh, triển lãm hiện vật… đó là cách mà chúng ta thể hiện sự trân trọng với lịch sử, với quá khứ. Các nhà khoa học hoàn toàn có thể đưa ý kiến góp ý, phản biện thông Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội. Thành phố sẽ có trách nhiệm tập hợp ý kiến, lắng nghe và có lẽ sẽ tổ chức các cuộc hội thảo trước khi quyết định vấn đề này”, ông Long bày tỏ.
Trước đó, trong cuộc giao ban báo chí vào cuối tháng 3 tại Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Sĩ Bảo – Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội đã thông qua phương án xây cầu vượt chạy qua Đàn xã Tắc và đang chờ UBND TP xem xét quyết định.
Các đơn vị tư vấn đã đưa ra hơn 10 phương án làm cầu vượt tại khu vực nói trên và có 3 phương án đã được lựa chọn để trình lên UBND TP. Hà Nội và các sở, ngành. Lý do thiên về hướng xây cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu vì nếu thiết kế theo hướng Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng thì đường này quá hẹp và sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
“Tốt nhất là không vượt lên đầu tổ tiên”
Sau khi thông tin về việc có thể xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, hàng loạt nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã lên tiếng phản biện. GS.TS Trần Lâm Biền (Nhà nghiên cứu Văn hóa) bày tỏ thẳn thắn: “Tốt nhất là nên né đi không nên vượt lên đầu Tổ tiên. Đàn Xã Tắc là đàn gắn với Tổ tiên, gắn với trời đất. Giờ chúng ta dùng cây cầu cao hơn cả trời đất thì nước này lụi bại à? Chỗ ấy là Đàn Xã Tắc để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất thì chúng ta sống hay chết?”.
Ngay cả với giả thiết cây cầu đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc, tức là mố cầu nằm ngoài di tích, GS Trần Lâm Biền vẫn cho rằng đây là việc cần tránh. Ông nói: “Tế cây cầu và những người đi trên cầu trong lúc người ta làm lễ. Hơn nữa, lế tế là tế những người ở thế giới bên kia cho nên việc tế lễ lúc bấy giờ sẽ không khác gì việc: Chúc cho những người đang đi trên cầu lúc ta lễ sang thế giới bên kia, tức là chúc cho người ta chết”.
Một vị Giáo sư khác cũng lên tiếng phản đối kế hoạch xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc là ông Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khuyên rằng. Ông cho rằng: “Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn. Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan.
Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích và xét cho cùng là hành động bất chấp pháp luật, không còn lương tâm, đạo lý để phá hoại mồ mả, hồn cốt của tổ tông”.
GS Nguyễn Quang Ngọc liên hệ với sự việc tại di tích thành Cổ Loa với ý định làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc để nhắc nhở làm quy hoạch thiết nghĩ cũng cần phải biết về lịch sử và văn hóa để có thể tránh được những sai lầm không đáng có.
“Khi mở rộng khu di tích Cổ Loa người ta nói diện tích được bảo vệ tăng lên nhiều, nhưng xem kỹ thì phần diện tích tăng thêm không có giá trị bao nhiêu, có cũng tốt mà không có cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Trái lại người ta thiết kế một con đường bao lấy thành ngoài và gạt toàn bộ sông Hoàng Giang ra ngoài khu di tích Cổ Loa. Thành Cổ Loa mà không có sông Hoàng Giang thì nó trở thành một tòa thành khác, không còn là nó nữa. Như vậy là làm hỏng di tích.
Ở các nút giao thông lớn, việc xây cầu mặc nhiên là rất cần, nhưng có thể căn chỉnh hay điều chỉnh ra khỏi vùng di tích, còn di tích thì chỉ có vậy, không thể di dời sang vị trí khác được. Vấn đề là tùy thuộc vào trách nhiệm của các nhà làm quy hoạch thôi, vì chúng ta làm sao có thể kéo cụ Lý Thái Tông lên mà cật vấn cụ sao không nghĩ đến quy hoạch Thủ đô năm 2013 mà lại cho làm đàn Xã Tắc ở giữa cái nút giao thông quan trọng này? Vẫn biết rằng chúng ta đang phát triển nên cần thêm nhiều đất, một tấc đất, vì thế, là một tấc vàng, thậm chí là cả cây vàng nhưng giá trị văn hóa chúng ta giữ được còn lớn hơn gấp nhiều lần và không gì có thể so sánh được”, GS Ngọc phân tích.
Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang phải chịu nhiều áp lực, vì phương án xây dựng cầu vượt nói trên đang được trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt có kèm theo một văn bản thỏa thuận thống nhất Bộ này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo