Xây đê bao chống ngập cho quận 7
“Quận 7 tuy mới phát triển nhưng là khu vực quan trọng, mang lại nguồn thu lớn cho TP. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng ngập tại khu vực này ngày càng tăng cao” - Trung tâm Chống ngập TP.HCM nhận định trong báo cáo trình UBND TP các giải pháp chống ngập cho quận 7.
Theo Trung tâm Chống ngập, trong những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở quận 7 liên tục tăng nhanh, trong khi khu vực này không có hệ thống cống thoát nước hoặc có nhưng đã xuống cấp, hư hỏng nên không đảm bảo tiêu thoát nước. Quận 7 cũng chưa có hệ thống kiểm soát triều khiến nước triều dễ dàng gây ngập các khu dân cư có địa hình thấp. Hiện các khu dân cư dọc đường Huỳnh Tấn Phát, khu dân cư cao cấp Nam Long, khu biệt thự cao cấp Tấn Trường, các tuyến đường Đào Trí, Lâm Văn Bền, Lê Văn Lương, Gò Ô Môn… là những khu vực thường xuyên bị ngập.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập TP, cho biết Sở GTVT TP đã từng đề xuất nâng cao toàn bộ tuyến đường Huỳnh Tấn Phát để chống ngập. Tuy nhiên, phương án này không được UBND TP chấp thuận. Thay vào đó, UBND TP yêu cầu Trung tâm Chống ngập nghiên cứu, tìm giải pháp bền vững hơn.
“Trung tâm đã phối hợp với địa phương và đơn vị tư vấn khảo sát thực tế, nghiên cứu các giải pháp thích hợp. Ngày 18-8, trung tâm tổ chức họp lấy ý kiến của các sở/ngành, quận/huyện liên quan và cơ bản thống nhất chọn phương án xây đê bao kết hợp với các cống kiểm soát triều để chống ngập cho quận 7” - ông Long nói.
Trong báo cáo trình UBND TP, Trung tâm Chống ngập đưa ra ba phương án chống ngập cho quận 7 và đề xuất chọn phương án 3: Xây đê bao kết hợp với cống ngăn triều. Trong đó sẽ thay mới 2.500 m cống bị hư hỏng dọc đường Huỳnh Tấn Phát, đồng thời lắp máy bơm tại các cửa xả hiện hữu để tăng khả năng thoát nước mưa cho tuyến đường này. Ngoài ra còn kết hợp nạo vét, cải tạo các vùng trũng thấp để làm nơi chứa nước tạm thời với diện tích khoảng 250 ha.
Với phương án trên, tổng diện tích được bảo vệ chống ngập tại quận 7 khoảng 2.000 ha. Trong đó diện tích đất cần giải tỏa để thực hiện dự án hơn 62.000 m2. Theo Trung tâm Chống ngập, tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 922 tỉ đồng. Nếu được UBND TP thông qua, dự án có thể khởi công vào giữa năm 2016, hoàn thành vào cuối năm 2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé