Tin tức - Sự kiện

Xây mới cầu Long Biên: Ngành Giao thông đang lặp lại sai lầm

Cho rằng Hà Nội không nên lặp lại sai lầm trong ứng xử với di sản, các chuyên gia khẳng định: "Xây mới cầu Long Biên là hành động phỉ báng thô bạo với lịch sử nhất".

Phải công khai, lấy ý kiến rộng rãi 

Với 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên do Bộ GTVT đề xuất, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ngành giao thông đang mắc phải sai lầm đã từng xảy ra.  
 
Cầu Long Biên
 
Ông nêu dẫn chứng, bài học từ Đàn Xã Tắc cho thấy nếu ngành giao thông công khai từ đầu, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chức năng có chuyên môn chắc chắn sẽ tìm được giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cây cầu Long Biên. 
 
Tuy nhiên, lần này cũng giống như lần trước, ngành giao thông âm thầm đưa ra đề xuất và hậu quả là tiếp tục phải hứng chịu những luồng phản ứng gay gắt từ dư luận.
 
Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản, với quy hoạch đường sắt, rõ ràng về nguyên tắc là phải xa khu đông dân, nhưng quy hoạch lại đi vào vùng lõi của khu phố cổ trong khi đó luôn tuyên bố phố cổ là di sản. Nghĩa là Hà Nội đang tự mâu thuẫn với chính mình, tự trói buộc chính mình, gây khó cho mình. 
 
Nếu nhìn nhận cây cầu Long Biên là di sản, là cây cầu lịch sử thì nó không đơn thuần chỉ là cây cầu bằng sắt, phục vụ hạ tầng giao thông mà nó còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch.  
 
Cần phải có cái nhìn đúng đắn với cây cầu Long Biên để có giải pháp bảo tồn xứng đáng với giá trị lịch sử của nó.  
 
Bê cây cầu cũ ra chỗ khác làm bảo tàng, xây cầu mới là cách làm thể hiện tầm nhìn ngắn của người quản lý, thể hiện văn hóa ứng xử thiếu hiểu biết với di sản, không tôn trọng lịch sử.
 
Không thể lúc nào cũng lấy bài toán kinh tế, phát triển bao biện cho hành vi phá bỏ di sản như vậy được. Chúng ta đã có bài học cầu Hiền Lương, sự dễ dãi, xuê xoa đã phá đi di sản của cả một thời đại. 
 
Ông Dương Trung Quốc kể lại, ông được nghe câu chuyện tướng Đờ Cát khi bị bắt, ông tâm sự đứng trên cầu Long Biên là ông nhìn thấy ngay một biểu tượng Tháp Eiffel bắt ngang sông Hồng.  
 
Ông nhìn ra bãi giữa, ông nói nếu Hà Nội biết cải tạo sẽ biến nó thành một không gian rất đẹp và biến dòng sông này không quay lưng lại với Thủ đô của mình. Tại sao không nghĩ sẽ đầu tư, phát triển nó. 
 
Nhà sử học băn khoăn, nếu Bộ GTVT có thiện chí bảo tồn cây cầu thì chắc hẳn đã đưa ra lấy ý kiện rộng rãi.  
 
Phá cầu Long Biên, lịch sử sẽ lên án
 
Họa sĩ, tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng ví cây cầu này như một tác phẩm nghệ thuật xứng ngang với Tháp Eiffel, đó là những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, sở hữu trí tuệ lớn, mang dấu ấn lịch sử trong lòng Hà Nội, không gì thay thế được. 
 
Thứ hai, cầu Long Biên không chỉ đơn thuần là một cây cầu bằng thép, hoen gỉ, gãy đứt nó là một tác phẩm nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử, nó đã đi vào tiềm thức bao đời của người dân Hà Nội. Nếu thay cầu Long Biên thì nên thay nhà hát lớn, thay cả vườn hoa con cóc, ngân hàng trung ương nữa.  
 
TS mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, phải tôn trọng giá trị lịch sử, và những kết tinh của trí tuệ nhân loại. Ông gọi những ai có ý định xây mới cầu Long Biên là suy nghĩ thiếu chín chắn, phi thẩm mỹ.  
 
Giải pháp tốt nhất cho bảo tồn cầu Long Biên theo ông là gia cố, phục dựng nguyên vẹn giá trị, thiết kế, hình dạng cũ đó là cách tôn trọng lịch sử, trân trọng nghệ thuật và cái đẹp. Đó mới là bảo tồn tốt nhất. 
 
“Nếu phá bỏ cây cầu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và trước nhân dân thủ đô. Lịch sử sẽ trừng phạt họ. Sẽ phải hối hận” TS Hùng gay gắt. 
 
Cùng quan điểm, nghệ sĩ Nhiếp ảnh gia Cao Phong thẳng thắn, chuyện di dời cầu Long Biên cũng giống như anh đang bắn đại bác vào lịch sử.  
 
“Đó là ý tưởng xúc phạm tới lịch sử, nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Cây cầu Long Biên đã gắn với lịch sử, với đời sống bao đời người dân Thủ đô. Nó là giá trị lịch sử, văn hóa đi vào tiềm thức của con người mà giờ lại phá nó đi xây cây cầu mới là điều phỉ báng lịch sử thô bạo nhất”, ông nói. 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo