Xây nhà ở riêng lẻ trên 7 tầng phải mua bảo hiểm bắt buộc
Dự thảo gồm 4 chương, 17 điều, quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm) và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Theo Dự thảo, chủ đầu tư (hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm đối với các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm. Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng như nhà chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên; công trình thể thao ngoài trời (không bao gồm sân thể thao), công trình thể thao trong nhà; trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường; cửa hàng, nhà hàng ăn uống, giải khát và công trình tương tự khác;…
Ngoài ra, Dự thảo cũng buộc chủ đầu tư các công trình khác như trụ sở làm việc của các tổ chức, doanh nghiệp; trường học, bệnh viện, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà thi đấu…. từ cấp III trở lên (Bộ Xây dựng có quy định) phải mua bảo hiểm bắt buộc trong quá trình xây dựng.
Các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp (danh mục do Chính phủ quyết định hàng năm); công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp (Bộ Xây dựng quy định); công trình có yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… thì chủ đầu tư phải mua bao hiểm trong quá trình đầu tư xây dựng.
Dự thảo cũng nêu rõ, thời hạn bảo hiểm công trình là khoảng thời gian cụ thể, gồm có ngày bắt đầu, ngày kết thúc và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm tối thiểu được tính từ lúc khởi công công trình hoặc từ khi hạng mục bảo hiểm đầu tiên có tên trong hợp đồng bảo hiểm được dỡ xuống công trường (tùy theo ngày nào đến trước) đến ngày công trình xây dựng kết thúc, bàn giao hoặc đưa vào sử dụng (tùy theo ngày nào đến trước).
Dự thảo cũng quy đinh về trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu tư vấn, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên; rủi ro được bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn là mọi rủi ro trong quá trình khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, không bao gồm các rủi ro loại trừ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.
Về số tiền bảo hiểm tối thiểu, đối với bảo hiểm công trình: Số tiền bảo hiểm là giá trị đầy đủ của công trình nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng.
Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng giá trị của hợp đồng tư vấn, thiết kế.
Đối với bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường: Trường hợp người lao động bị thương tích thì mức bồi thường cụ thể cho từng loại tổn thương cơ thể được xác định căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trường hợp người lao động bị tử vong, số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh