Xảy ra tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, trong đó đáng chú ý là yêu cầu Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong năm 2014.
Theo Nghị quyết, năm 2013 Chính phủ, Viện KSND và TAND đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình tội phạm, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp; một số tội phạm có chiều hướng gia tăng gây bức xúc trong dư luận.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường các biện pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37 về phòng chống tội phạm: Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ các lực lượng tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng.
Người đứng đầu chính quyền và cơ quan công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, không được để xảy ra hiện tượng tội phạm lộng hành, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận.
Có một điểm rất đáng chú ý là tại nghị quyết, Quốc hội tiếp tục khẳng định, người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước được yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc được thanh tra, kiểm toán, xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật các trường hợp rõ ràng có dấu hiệu tội phạm, sau đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện bỏ lọt tội phạm và khởi tố, xử lý hình sự, nghị quyết nêu rõ.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan điều tra, điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, nâng cao chất lượng điều tra, tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; bảo đảm việc lập hồ sơ vụ án hình sự phải khách quan, toàn diện theo đúng quy định pháp luật; hằng năm, tăng tỷ lệ phát hiện, khám phá các loại tội phạm.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo