Xe Thái “xả hàng” về Việt Nam: Dân mong giá giảm, giới buôn xe cũng “mù” thông tin
Xe nhập về nhiều, giá xe "có biến" cuối năm?
Tuần qua, hơn 1.400 xe hơi nguyên chiếc được nhập về Việt Nam, trong đó hơn 1.200 chiếc là xe con và xe bán tải từ Thái Lan. Mặc dù không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, so với dung lượng và sức mua thị trường đang nhỏ lại, cú "xả hàng" của xe Thái đã khiến nhiều đại lý xe trong nước lo sợ.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, cả nước nhập khẩu hơn 10.000 xe hơi nguyên chiếc, trong đó hơn 7.500 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi.
Riêng ô tô Thái Lan, tính đến thời điểm 21/6, xe dưới 9 chỗ ngồi và xe bán tải của Thái là hơn 9.400 chiếc, chiếm hơn 90% lượng xe nhập ở Việt Nam, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi của Thái chiếm gần như trên 80% lượng xe nhập ở Việt Nam.
Trong khi đó, từ tháng 4 đến đầu tháng 6/2018, đã có nhiều cuộc giảm giá liên tiếp của các dòng xe liên doanh. Toyota giảm liên tiếp giá 4 mẫu xe Vios số sàn và tự động từ 51 đến 57 triệu đồng. Xe Innova cũng giảm các dòng xe của mình từ 40 đến 50 triệu đồng, Hyundai i10 cũng giảm từ 3 đến 15 triệu đồng cả hai mẫu hatchback và sedan, các dòng sedan phân khúc B như Accent và Elanta cũng được giảm 20 đến 40 triệu đồng.
Các dòng xe phân khúc C và D của các hãng như Mazda 6 của Thaco cũng được giảm từ 100 đến 150 triệu đồng; trong khi đó Honda Accord giảm 190 triệu đồng; Camry cũng giảm từ 75 đến 130 triệu đồng...
Trong khi đó, sức tiêu thụ của thị trường xe hết 5 tháng qua dường chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước cho dù giá xe đã giảm, thuế nhập xe từ ASEAN được bãi bỏ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 5/2018, tiêu thụ xe hơi toàn thị trường ở ngưỡng 68.800 chiếc, tăng hơn 3.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước (tăng gần 6%), tuy nhiên, lượng tiêu thụ xe nhập đã giảm rất mạnh 46%.
Với toàn bộ dữ liệu trên, về tổng quát thị trường xe trong tháng 5 và 6 tháng đầu năm có thể nhận định xu hướng "chưa có nhiều đột biến", tiêu thụ không tăng bất thường, trong khi cầu về xe chững lại vẫn do tâm lý chờ giá rẻ của người dân..
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: Đứng ở góc độ thị trường, năm 2018 có thể các chính sách xe hơi gây bất lợi cho người mua xe khi chặn đứng các dòng xe giá rẻ nhập vào Việt Nam bởi các sắc thuế và chính sách theo cách phi thị trường. Thời điểm hiện nay, khi đồng USD lên cao, giá xe có thể tăng, khiến người tiêu dùng ngại sắm xe. Từ nay đến cuối năm, người dân vẫn trông ngóng xe giảm giá nên họ không mở hầu bao vội.
Doanh số giảm, dân buôn "vừa làm vừa nghiến răng"
Theo nhiều đại lý xe hơi tư nhân, thời điểm giữa năm nhiều năm trước kia là cao điểm để doanh nghiệp nhập xe hoặc ký hợp đồng nhượng quyền bán xe với đối tác. Tuy nhiên, năm 2018, tất cả các kế hoạch kinh doanh có thể thay đổi và rủi ro nhất của doanh nghiệp hiện nay là chính sách.
"Giá xe năm 2018 phải nói thẳng chưa xuống đáy, nếu đại lý ôm xe vào thời điểm hiện nay, một ăn cả hai là nợ đầm đìa, phá sản nếu có biến thời điểm cuối năm. Chính vì thế, chỉ bán xe có doanh thu tốt còn không nhiều anh em vẫn nằm im nghe ngóng", ông Việt, chủ đại lý xe hơi tư nhân trên đường Phạm Hùng cho biết.
Thực tế, theo giới buôn xe, thời điểm hiện nay thị trường xe là kiểu "bom chờ nổ" nên ôm xe hoặc nhận xe bán thời điểm này là rất rủi ro. Về phía xe nhập, hiện các doanh nghiệp lớn mới chỉ có xe từ Thái Lan đổ về nhiều, các loại xe xuất xứ nước khác mới chỉ lẻ tẻ.
Các thị trường xe lớn về Việt Nam như Indonesia, 6 tháng qua "bặt vô âm tín" không ai hiểu rõ nguyên nhân. Các dòng xe nhập Nhật năm trước về Việt Nam rất nhiều như Lexus, Land Cruise, Outlander, năm nay cũng chỉ nhập về lèo tèo vài chiếc, số còn lại như Outlander được Mitsubishi nội địa hóa ở Việt Nam. Các dòng xe Hàn như Kia, Hyundai cũng được nội địa hóa hết bởi Trường Hải hay Thành Công nên chủ yếu nhập xe tải, xe khách về Việt Nam với số lượng hạn chế.
Còn ô tô châu Âu, sau thương vụ thâu tóm BMW của Trường Hải, các thương hiệu xe sang của Anh, Pháp hay Thụy Điển khác cũng về Việt Nam ít hơn, thưa thớt dần có thời điểm "chết hẳn" không thấy bóng dáng chiếc xe nào.
Lý do ban đầu là áp lực cạnh tranh xe nhập với xe trong nước đang rất mạnh, giá xe nhập từ các nước phát triển dung tích xi lanh trên 3.0L bị đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt lên cao hơn từ năm 2018. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sức mua thị trường từ năm 2018 đã giảm rất mạnh, khiến các doanh nghiệp vừa "làm vừa nghiến răng", không dám ôm xe về nhiều vì rủi ro thường trực.
"Nếu một khi xe Indonesia về được, thì chẳng khác nào thị trường xe rơi vào cảnh “vỡ đê”, giá nhiều loại xe sẽ bị hạ nhanh; chúng tôi luôn lo sợ dòng xe nhập từ nước này. Trong khi đó, một số DN lắp ráp xe tại Thái vẫn chưa chơi "tất tay" ở Việt Nam, họ vẫn nhập cầm chừng một số dòng xe theo kiểu dò la thị trường và đo lường chính sách của Việt Nam. Đến một mức nào đó, nếu họ đủ tự tin, chỉ cần xe nhập số lượng xe lớn từ hai thị trường này vào Việt Nam, chắc chắn giá xe sẽ hạ", ông Việt phân tích.
Tuy nhiên, đến thời điểm nào giá xe giảm cũng là bài toán làm đau đầu nhiều đại lý xe hơi hiện nay. Có thể thời điểm đó là cuối năm, khi các doanh nghiệp làm cuộc tổng lực để thu lợi nhuận, nhưng cũng có thể kéo dài đến năm 2019 khi các chính sách ổn định hơn, an toàn hơn.
Thực tế, hơn ai hết, các doanh nghiệp xe nhập cũng khó có thể dồn doanh nghiệp xe trong nước vào chân tường thông qua nhập xe ồ ạt. Vì đơn giản, nếu dồn xe nội vào chỗ buộc phải hạ giá, đồng nghĩa DN nhập xe có thể dính phải đòn "hồi mã thương" từ chính sách và từ cuộc chiến giá mới bắt đầu từ các hãng xe trong nước. Cuộc chiến mà không bên nào có lợi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước