Xem xét sửa quy định gây tranh cãi của Nghị định 116 về ôtô
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến, kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô tại Việt Nam.
Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, khuyến khích sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng... trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cam kết hội nhập. Ông yêu cầu các bộ, ngành khi tham mưu xây dựng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc này.
Vì thế để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 về quản lý chất lượng ôtô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ôtô theo quy định mới. "Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo quy định Nghị định 116, từ 1/1/2018, xe hơi muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định như phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; nghị định ưu ái doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và siết chặt doanh nghiệp nhập khẩu xe... Ngoài ra, Nghị định 116 cũng quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô là phải có cơ sở vật chất như nhà xưởng sản xuất, dây chuyển công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng và đường thử xe tổng chiều dài tối thiểu là 800 m... Đây là những quy định gây tranh cãi suốt thời gian qua giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Yêu cầu siết chặt của Nghị định 116 cũng được các hãng xe cho là nguyên nhân cản đường về Việt Nam của xe nhập khẩu, khiến lượng xe nhập về giảm mạnh trong các tháng đầu năm.
Tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn với xe nhập khẩu cuối tháng 2/2018, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cho rằng quy định mới ban hành "không ưu ái, bảo hộ sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước", thì khối ngoại lại lo ngại Nghị định 116 "không tuân thủ quy định quốc tế".
Cũng theo văn bản kết luận ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Giao thông cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương làm việc với một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô để thống nhất chuẩn hoá tối giản thông tin, dữ liệu thuộc hồ sơ đăng ký nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Công tác này yêu cầu thực hiện trong năm 2018.
Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất đầu tư bổ sung dây chuyền kiểm tra, thử nghiệm an toàn và môi trường nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Nghị định 116, việc đầu tư bổ sung này đảm bảo các quy định của pháp luật về đầu tư.
Cùng với Bộ Giao thông Vận tải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hoá của ôtô nội khối ASEAN khi nhập khẩu vào Việt Nam để được hưởng ưu đãi theo cam kết về thuế.
"Các bộ tiếp tục duy trì đoàn công tác liên ngành làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô để nắm bắt, xử lý các vướng mắc. Trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, các Bộ kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định", Phó thủ tướng đề nghị.
Trả lời báo chí ngày 29/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhà chức trách nhận được nhiều phàn nàn từ các đối tác, doanh nghiệp về một số nội dung quy định của nghị định này. Ông cho hay, một số quy định cụ thể liên quan tới Nghị định 116 đang là chủ đề tranh cãi nên cần xem xét, rà soát kỹ trước khi báo cáo Chính phủ.
"Bộ Giao thông tiếp thu, rà soát và xem xét lại để đảm bảo yêu cầu mục đích vừa phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, lợi ích người tiêu dùng và nguyên tắc chung, cơ bản của hội nhập", Bộ trưởng Tuấn Anh nêu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo