Xét xử đại án 9.000 tỷ ở VNCB: Phạm Công Danh biểu hiện mệt mỏi
Trước đó, trả lời báo chí, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho biết, hiện sức khỏe của cựu Chủ tịch NH không tốt do bị suy thận. Về hành vi vi phạm quy định về cho vay, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua 14 pháp nhân công ty, trong đó có 12 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh do các giám đốc “hờ”, là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên, theo tin tức trên báo VOV.
Hành vi được xác định lập 16 bộ hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, phương án trả nợ khống, lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống, không tiến hành thẩm định thực tế hồ sơ vay.
Các lô đất ở khu 209 Trường Chinh, Đà Nẵng và Sân vận động Chi Lăng đã được đảm bảo bằng khoản vay 5.000 tỷ đồng ở BIDV chưa được giải chấp nhưng vẫn được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh tại VNCB. Giá trị tài sản cũng được nâng lên gấp nhiều lần.
Hàng loạt nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh là giám đốc các công ty bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án thích đáng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các “giám đốc” như: Trần Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Thịnh – GĐ Công ty Thịnh Quốc, Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Quân, Cao Phước Nhàn, Nguyễn Hữu Duyên – GĐ Công ty Quang Đại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.Nhiều cựu cán bộ ngân hàng VNCB liên đới trách nhiệm về hành vi này cũng có đơn kháng cáo.
Để có tiền, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp làm trái quy định của Nhà nước trong việc rút 903 tỷ đồng của VNCB thông qua hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Quỹ Lộc Việt. Ngoài Phạm Công Danh, các thuộc cấp liên quan đến hành vi này còn có Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết.
Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Hà-TGĐ Quỹ Lộc Việt cũng bị tòa án cấp sơ thẩm kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, VKS ND Tối cao điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB, gây thất thoát 903 tỷ đồng.
Trong hành vi cố ý làm trái, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của các chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 5.490 tỷ đồng.
Trong hành vi này, cấp sơ thẩm xác định, Phạm Công Danh là người chỉ đạo. Các bị cáo liên quan gồm: Hoàng Đình Quyết - cựu PGĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn, cựu GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang, Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB, Mai Hữu Khương - cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn.
Các bị cáo nên trên đều kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Liên quan đến hành vi này, các cá nhân gửi tiền cũng có đơn kháng cáo. Bản án sơ thẩm cho hay, nguyên nhân sự xuống dốc của VNCB do hành vi sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm.
Cựu Chủ tịch VNCB và thuộc cấp bị cơ quan tố tụng khởi tố điều tra hai tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 9/9, TAND TP.HCM đã tuyên các mức án trong đại án Phạm Công Danh (bị cáo Danh nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm .
Theo đó bị cáo Phạm Công Danh 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng - Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chịu là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm tù).
Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, bị cáo Mai Hữu Khương 20 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ án treo tới 16 năm tù. Về phần dân sự, HĐXX buộc Danh phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại mà Danh cùng đồng phạm đã gây ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo