Xóa bỏ nạn bán đổ, bán tháo nông sản
Sở dĩ hiện nay nông sản bất ổn định về số lượng lẫn chất lượng là do nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “trông trời, trông đất, trông mây” mà không có bất kỳ kim chỉ nam nào về đầu ra trong nước lẫn nước ngoài. Tại Nhật, châu Âu, quy trình sản xuất nông sản rất chặt chẽ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời giúp nông dân có lời.
“Ba nhà ngoài, một nhà trong”
Trước khi nông dân tiến hành sản xuất và bán nông sản ra thị trường, phải xác định được đầu ra để có thể lập kế hoạch cụ thể về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cho dù người mua là tiểu thương, người tiêu thụ trực tiếp, các cửa hàng hay các doanh nghiệp (DN) nhà nước thì nông dân đồng thời phải xác định được năng lực sản xuất của bản thân để đáp ứng phù hợp. Hai khâu này nông dân không thể tự làm mà không có sự hỗ trợ.
Phải xác định rõ ràng rằng thị trường nội địa lẫn nước ngoài không chỉ có nông dân mà còn có DN thu mua tiêu thụ; các đơn vị nghiên cứu nông nghiệp (các trường đại học, viện nghiên cứu…); và đơn vị đại diện điều phối (bộ nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông nghiệp). Điều này không khác nhiều so với mô hình “bốn nhà” của Việt Nam: Nhà nước điều phối chính sách; nhà DN hỗ trợ sản xuất và cung cấp thông tin nhu cầu thị trường; nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu sản xuất; và nhà nông đầu tư công sức để tạo ra sản phẩm.
Hãy thử nhìn vào một mảnh đất của người Nhật - vốn chẳng phải rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Có khi đến năm, bảy gia đình góp lại mới tròn một hecta đất để trồng hoa quả hay trồng lúa. Họ áp dụng mô hình “bốn nhà” - chính xác hơn là “ba nhà ngoài, một nhà trong” một cách thuần thục. Nông dân được nhà nước hỗ trợ ưu đãi tài chính khi bán nông sản, đặc biệt là lương thực cho nhà nước qua các gói trợ giá. Họ còn nhận được các giống mới, cùng với việc tập huấn tận vườn các kỹ thuật chăm sóc hiệu quả như cách bón phân, xử lý sâu bệnh, xử lý hoa và quả từ các viện nghiên cứu, các trường ĐH về nông nghiệp. Các trường ĐH, viện nghiên cứu nông nghiệp phải cho ra các sản phẩm mang tính đột phá dựa trên nhu cầu thực tế.
Nhật, Mỹ hay như châu Phi đều tận dụng tốt và phát huy hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi từ phòng thí nghiệm phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu. Trong khi đó các DN tích cực ghi nhận và nghiên cứu thị trường, sau đó đến tận ruộng để đặt hàng nông dân các sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng về cả khung chất lượng lẫn số lượng. DN sẽ phản hồi về thái độ và nhu cầu thị trường để nông dân biết hướng điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Tựu chung lại, nhà nước - DN - nhà khoa học tập trung giúp nông dân biết mình cần sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất bao nhiêu.
Tất nhiên DN cũng sẽ nhận được chính sách ưu đãi thu mua và xuất khẩu từ nhà nước, đồng thời mua được nông sản đạt chất lượng lẫn số lượng tối ưu. Trong khi đó nhà khoa học có cơ hội đưa nghiên cứu vào thực tiễn dưới sự tài trợ của chính phủ, còn nhà nước sẽ được ba nhà còn lại tin tưởng và tín nhiệm hơn. Tạo nên kết quả “Win - Win”, tức tất cả đều hưởng lợi.
Bốn nhân tố nền tảng
Xây dựng được nền tảng “bốn nhà” là một chuyện nhưng để bộ máy này vận hành lại là một chuyện khác. Điển hình như Việt Nam, mô hình “bốn nhà” có từ lâu nhưng “được mùa mất giá”, nông sản kém chất lượng, đầu ra không đảm bảo, DN yếu kém, mô hình cánh đồng mẫu lớn mở rầm rộ nhưng kém hiệu quả, nông sản xuất ra nước ngoài gặp nhiều cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng… là những câu chuyện tưởng chừng “xưa như Diễm” nhưng vẫn hiện diện thường xuyên. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt như thể “Thứ trưởng bán nông sản” phụ dân. Trong khi đó, mô hình “ba nhà ngoài, một nhà trong” hay mô hình “bốn nhà” phải được dựng nên từ bốn cơ sở nền tảng: i) Pháp lý; ii) Tài chính; iii) Chất lượng; và iv) Giá cả.
Về mặt pháp lý, nhà nước cần xây dựng một khung quy định cụ thể nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị một cách thống nhất, tránh sự chồng lấn trách nhiệm. Trường hợp có cơ quan không làm tròn trách nhiệm khiến hàng hóa mất giá, ùn ứ hàng… thì phải biết quy trách nhiệm cụ thể. Phải có cơ quan quản lý xuyên suốt các quy trình và cơ quan đó thường là bộ nông nghiệp (tùy vào tên gọi mỗi quốc gia). Cơ quan này phải xây dựng tầm nhìn, chiến lược và mục tiêu từng giai đoạn cho nền nông nghiệp quốc gia. Muốn thế phải kết nối chặt chẽ và hỗ trợ mọi điều kiện cho DN, nông dân lẫn nhà khoa học.
Phải xây dựng một hệ thống dự phòng tài chính và tín dụng phục vụ cho việc hỗ trợ nông dân, DN, nhà khoa học theo chức năng tương ứng. Ví dụ ở Anh, người ta huy động thành lập “câu lạc bộ ngân hàng” phục vụ các hoạt động tài chính dài hạn dưới sự bảo lãnh của chính phủ. Nếu hệ thống tài chính dự phòng đủ mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ; thực hiện nghiên cứu thị trường, nghiên cứu giống; hỗ trợ nông dân tạm ứng sản xuất; hỗ trợ DN mua tạm trữ… thì nông sản sẽ có đầu ra ổn định hơn.
Điều quan trọng thứ ba chính là thiết lập hệ thống thẩm định tiêu chuẩn sản phẩm dựa trên từng thị trường cụ thể. Ví dụ: Thị trường nội địa thì nhu cầu chất lượng là gì? Hay thị trường Nhật, Úc, châu Âu hay Mỹ cần sản phẩm đạt chuẩn trong quy trình sản xuất ra sao? Muốn đạt yêu cầu đó thì phải có chiến lược ra sao? Điều này phải học hỏi Nhật, Israel hay Thái Lan - những quốc gia thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất nông sản theo chuẩn quốc tế. Đó là kim chỉ nam để nông dân và DN “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường. Tuyệt đối không để xảy ra chuyện thị trường cần gạo chuẩn A mà nông dân tập trung sản xuất gạo chuẩn B nên đầu ra không đảm bảo.
Cuối cùng, hệ thống giá cả phải được cập nhật, dự báo liên tục đến người dân. Các DN tại Nhật khi xuống đến nông trại phải cho nông dân biết nhu cầu thị trường là gì, bao nhiêu và giá ước chừng dao động trong mức nào để nông dân có thể đầu tư, sản xuất cho phù hợp, đảm bảo có lãi. Các chỉ tiêu về giá phải được nhà nước quản lý và giám sát, đảm bảo không có trường hợp DN cố tình bán giá rẻ để cạnh tranh trong khi xuống vườn thì o ép nông dân dưới mức giá quy định. Cơ quan quản lý nông nghiệp phải đảm bảo môi trường thông tin giá cả minh bạch và chính xác, tránh trường hợp DN cố ý tạo ra bất đối xứng thông tin để lừa nông dân nhằm trục lợi.
Mỗi nông dân là một thương nhân
Một điều đáng lưu ý là nông dân tại Nhật và nhiều nước tiên tiến rất chủ động trong việc mua-bán chứ không chỉ biết cặm cụi sản xuất. Nông dân đồng thời phải là một “thương nhân”. Hình ảnh các hộ gia đình canh tác nhỏ tại Nhật chở nông sản lên chợ bán tương đối phổ biến. Họ không chuộng tiểu thương hay các đầu nậu gom hàng để ăn tiền trung gian. Các khu chợ nông sản Nhật rất nhộn nhịp, thông tin về thị trường được treo khắp nơi và nông dân có thể hỏi về định hướng sản xuất tại các điểm tư vấn nghiên cứu thị trường. Nhờ vậy nông dân biết được mình nên trồng gì, trồng bao nhiêu, trồng thế nào, bán cho ai và bán được với giá bao nhiêu.
Phát huy thế mạnh kênh bán nông sản qua Internet
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), số lượng người mua sắm trực tuyến ngày càng tăng đáng kể, lấn át các kênh bán hàng truyền thống trong vài năm trở lại đây. USDA xây dựng chương trình tiếp thị và bán nông sản qua Internet đối với mặt hàng nông sản. Với các thị trường nông sản xuất khẩu lớn như Việt Nam, việc tiếp cận thế giới qua Internet vừa giúp tốc độ tiếp thị tăng nhanh, vừa giúp hàng Việt tìm đến những thị trường mà doanh nhân Việt chưa có điều kiện đặt chân đến, tăng cơ hội đầu ra cho nông sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo