Xóa hơn 26,5 nghìn tỷ đồng nợ thuế: Cách nào để công bằng, minh bạch?
Bộ Tài chính vừa có văn bản lấy ý kiến vào Dự thảo về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi để báo cáo Quốc hội kỳ họp tháng 5/2018 tới.
Không xóa cũng không đòi được
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm 542,5 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế của các doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan do thực hiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được thanh toán (bao gồm cả nhà thầu phụ).
Khoảng 1.700 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước năm 2018 của người nộp thuế gặp thiên hai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng.
Hơn 24.300 tỷ đồng tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động trước năm 2017.
Những đối tượng này không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong những trường hợp nêu trên, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế.
Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế TNDN khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh.
Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng tình việc xóa nợ thuế với những trường hợp nêu trên. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thực tế, các quốc gia khác cũng đã thực hiện việc xóa nợ thuế với những khoản nợ tương tự như trên.
“Với những khoản trên, nếu không xóa mà treo thì thực ra có muốn thu cũng không thu được, có khi chi phí thu được còn cao hơn số nợ” – PGS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Vì vậy, dù đề xuất của Bộ Tài chính đã từng không được chấp nhận, nhưng theo chuyên gia này, việc này trước sau cũng phải đưa ra để xử lý.
“Hiện nay, mỗi năm có thêm một khoản cả chục nghìn tỷ đồng treo vào thuế nợ, đẩy tổng nợ tích từ năm nọ sang năm kia trong khi đáng ra phải xóa lâu rồi. Có như thế mới làm sạch được tổng kết của cơ quan chức năng nói riêng và kế hoạch nguồn thu nói chung” – PGS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Làm sao để ngăn doanh nghiệp lạm dụng, trốn thuế
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước đây, chúng ta đã có tiền lệ xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp không có khả năng thu hồi. “Điều này giúp Chính phủ dứt điểm làm sạch bản cân đối ngân sách tài chính, phía doanh nghiệp cũng vậy.
Bên cạnh đó, việc xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi cho doanh nghiệp còn giúp giảm tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, từ đó doanh nghiệp có điều kiện tiếp hoạt động, tạo công ăn việc làm” – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là làm sao việc xóa nợ thuế đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh việc doanh nghiệp lạm dụng khai báo phá sản, giải thể, hoặc thông đồng với cơ quan quản lý thuế nhằm trốn thuế.
Dù vậy, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng để lựa chọn giữa cái mất nhiều và ít thì Chính phủ bắt buộc phải xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi. Có điều, Chính phủ cần có sự giải thích rõ ràng, tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân khách quan của doanh nghiệp, cần công khai và lưu giữ thông tin những doanh nghiệp được xóa nợ, với tỷ lệ được xóa cụ thể là bao nhiêu.
PGS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc các doanh nghiệp lạm dụng chính sách để trốn thuế là không tránh khỏi. Vấn đề quan trọng nhất là công tác quản lý phải chặt chẽ.
“Cán bộ quản lý phải có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, giám sát từ khâu đăng ký doanh nghiệp tới quản lý trong thời gian hoạt động. Một doanh nghiệp khi đã tuyên bố phá sản thì phải xem xét đầy đủ thủ tục, điều kiện, nếu chấp nhận cho doanh nghiệp phá sản tức là họ phá sản đúng”.
Theo chuyên gia này, chính vì công tác quản lý trước đây không tốt nên mới dẫn tới treo thuế như hiện nay. “Bây giờ đi lật ngược lại đi tìm doanh nghiệp đã giải thể, phá sản thì rất khó. Rõ ràng, cơ quan quản lý phải nêu tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ với hoạt động của doanh nghiệp” – PGS Đinh Trọng Thịnh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024