Xót thương 5 trẻ mất bố trong vụ nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh
Khi bố các em ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới, đứa trẻ lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất đã rất gần ngày khóc tiếng chào đời...
“Tôi tự hào về nó”
“Ngày Khánh lên đường nhập ngũ, tôi cũng đã phân tích rất nhiều về sự hy sinh gian khổ của nghiệp nhà binh. Nhưng Khánh nói “con đã chọn rồi, con sẽ quyết theo nghiệp bố đã chọn trước đây” - ông Lê Ngọc Thức, bố đẻ của liệt sĩ, thiếu úy Lê Vũ Việt Khánh - 1 trong 2 chiến sĩ bộ đội biên phòng hy sinh trong vụ nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép xả súng tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) tâm sự.
Ông nhớ lại, hôm đó, 6h sáng ngày 18.4, vợ ông dậy mở cửa nhóm bếp chuẩn bị bán hàng thì thấy đồng đội của Khánh chạy rầm rập qua nhà và vẫy tay chào. Bà thắc mắc với chồng, không biết đơn vị con trai có chuyện gì mà cậu nào cũng thoăn thoắt vẻ bận rộn. Một lúc lâu sau, Khánh ghé qua nhà và kể chuyện các anh phối hợp với lực lượng Công an huyện Hải Hà vừa bắt được nhóm người Trung Quốc xâm nhập biên giới trái phép. Ngồi chưa ấm chỗ, Khánh đã xin phép bố mẹ trở về đơn vị họp giao ban.
“Hôm đó bố con tôi định ngồi ăn với nhau bữa cơm trưa để dặn dò vài điều trước khi Khánh được giao nhiệm vụ ở đơn vị mới. Hôm đó cũng là ngày công tác cuối cùng của Khánh ở Đồn Biên phòng Bắc Phong Sinh trước khi Khánh về đồn mới - Đồn Biên phòng cửa khẩu Móng Cái để vừa công tác vừa thuận tiện chăm sóc vợ và đứa con chuẩn bị chào đời vào đầu tháng 5 này. Thú thực, khoảng hơn 1 năm nay bố con tôi chưa ngồi ăn với nhau được một bữa cơm nào trọn vẹn, cho dù đơn vị của con chỉ đóng cách nhà chừng 20km... Sự hy sinh mất mát nào cũng đau xót, nhưng Khánh ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, tôi tự hào về nó!”, người cha nghẹn lòng tâm sự.
Đứa trẻ lớn lên không tình cha
Chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ của những người chủ yếu là công nhân lao động, nằm ngay cạnh hàng rào của Khách sạn Hữu Nghị 2 (TP.Móng Cái). Những người thuê trọ ở đây cho biết, trước lúc hy sinh, anh Khánh đã trả phòng trọ và đưa vợ về nhà ông bà ngoại để có điều kiện chăm sóc trong những ngày sắp sinh.
Tiếp chúng tôi, bà Vi Thị Viên - mẹ đẻ của chị Vị Thị Nga (vợ liệt sĩ Khánh) cho biết, vào đúng hôm anh Khánh hy sinh thì vợ anh có hiện tượng sinh thiếu tháng. Bà đã đưa con gái đến bệnh viện để thăm khám.
“Trước khi vào viện, nó còn gọi điện cho chồng nhưng chồng nó bảo đang bận việc trên đồn. Đến trưa tôi và con gái về nhà thì nó thấy cuộc gọi nhỡ của chồng và kèm theo tin nhắn: “Vợ làm gì mà không thấy nghe máy thế?”. Nó sốt ruột gọi lại cho chồng mấy cuộc nhưng thấy thuê bao không liên lạc được. Đến cuối trưa nó bảo: "Mẹ ơi con thấy báo chí nói trên đồn của Khánh đang có vụ bắn nhau..." rồi nó lại gọi điện cho chồng không được. Nó sốt ruột đi ra đi vào, tôi phải động viên nó là chắc Khánh đang vào rừng như mọi lần nên không liên lạc được”, bà Viên kể tiếp, "Tôi chạy sang hàng xóm nghe người ta nói Khánh đã hy sinh. Tôi chạy về để trấn an con gái thì thấy nó đã ngã vật ra giữa nhà. Tôi đoán chắc có người đã báo tin cho nó biết...”.
Theo bà Viên, vợ chồng anh Khánh cưới nhau được khoảng 1 năm nay nhưng do hoàn cảnh công việc nên thời gian ở bên nhau rất ít. Những ngày cuối tuần, anh Khánh được về nhà thì chị Nga lại phải đi phục vụ đám cưới trong khách sạn.
Trước lúc hy sinh, anh Khánh đã đặt tên cho đứa con trong bụng và lên kế hoạch xin đơn vị nghỉ phép ít hôm để về chăm sóc vợ con... Không ngờ anh đã ra đi khi chưa kịp nhìn thấy mặt con.
"Các em đừng khóc nữa, bố không về đâu!"
Men theo triền đề sông Đuống khi nắng chiều đang đổ xuống, chúng tôi tìm về nhà liệt sĩ, trung tá Nguyễn Minh Đãi ở xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Văn Điểm (bố của liệt sĩ Đãi) năm nay đã 71 tuổi, ngồi lặng người bên chiếc bàn uống nước. Ông không nói chuyện cũng không hỏi ai một lời.
Trong căn nhà nặng trĩu nỗi buồn, chị Phạm Thị Tuyết (vợ liệt sĩ Nguyễn Minh Đãi, hiện đang là giáo viên tiểu học) gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, tâm sự: Vợ chồng chị lấy nhau được hơn chục năm nay, 3 lần sinh được 4 đứa con, 3 gái, 1 trai. Cháu lớn Nguyễn Phạm Phương Thảo (SN 2003), cháu thứ 2 Nguyễn Phạm Thảo Anh (SN 2007) đều đang ở độ tuổi đi học. Năm 2012, vợ chồng chị sinh đôi được một trai, một gái và đặt tên Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Thị Hải Hà.
Vào ngày định mệnh 18.4 ấy, khi chị trên đường đi dạy học thì anh gọi điện thoại, do đang đi trên đường nên chị không biết. Mải công việc, chiều về nhà chưa kịp gọi điện lại cho chồng thì chị đã nghe tin dữ...
Chị Tuyết cho biết, hoàn cảnh vợ chồng ở xa, một tháng anh mới về nhà thăm vợ con một lần. Để có thời gian ở bên vợ con nhiều hơn, anh thường bắt xe khách về ban đêm. Những lúc anh về tới nhà thì các con đã ngủ say. Nhưng những lần hiếm hoi đó, sự có mặt của bố bao giờ cũng làm cho các con vui vẻ hẳn lên. Lúc xa nhà, đêm nào anh cũng gọi điện về dặn dò vợ phải lót gối dưới võng để chống muỗi đốt từ dưới võng lên lưng con...
Chị nhớ, có năm anh phải trực không về ăn Tết được, xem trên tivi chương trình cầu truyền hình, nhìn thấy bố đón tết ở nơi biên cương Tổ quốc, các con thích lắm, đi chúc tết ở đâu cũng khoe về bố đầy vẻ tự hào...!
Chị Tuyết kể, hôm đưa tang anh, các con đã khóc rất nhiều gọi bố. Đứa chị cả (11 tuổi) ôm các em vào lòng dỗ dành: “Các em đừng khóc nữa, bố mất rồi, bố không về với chị em mình nữa đâu!”.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo