Tin tức - Sự kiện

Xót thương cụ bà gần 80 phải ở nhà hoang, xin ăn từng bữa

Gần 80 tuổi nhưng bà Vũ Thị Nhung (SN 1938) ở thôn Phú An, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phải sống trong ngôi nhà bỏ hoang ẩm thấp, đi xin cơm sống qua ngày.

Người đàn bà khốn khổ

Bà Nhung phải trú ngụ trong ngôi nhà trẻ bỏ hoang nhiều năm nay.
Bà Nhung phải trú ngụ trong ngôi nhà trẻ bỏ hoang nhiều năm nay.

 Về xã Cao An hỏi bà Vũ Thị Nhung, ai cũng biết. Người ta biết đến bà bởi sự cực khổ và nỗi bất hạnh ở tuổi “gần đất, xa trời”.
Bà Nhung vốn là người ở thôn này. Chồng bà bị bệnh nặng, mất từ năm 2006. Bà có 4 người con nhưng mấy năm nay, phải sống một mình trong căn nhà bỏ hoang, hôi hám. Khi chúng tôi đến thăm, bà Nhung đi vắng, hỏi thăm những người hàng xóm gần đó, chúng tôi được nghe kể về nỗi khổ cực của cụ bà đã gần bước sang tuổi 80 này.
Một hàng xóm cho biết, trước đây, cả bà Nhung và chồng đều có nhà cửa ổn định. Sau khi chồng mất, người con gái ở gần đó làm ăn vỡ nợ rồi gạ mẹ bán nhà và đi biệt xứ cho đến giờ. “Ngày xưa, ông bà ấy tuy vất vả nhưng vẫn cố gắng lao động nuôi các con trưởng thành. Nhưng khi bố mẹ già,  con cái không giúp đỡ gì được, còn gạ mẹ bán cả ngôi nhà duy nhất để lấy tiền trả nợ”, một người hàng xóm nói.
Ông Phạm Văn Bồng, người sống gần nơi bà Nhung trú ngụ kể: “Bà Nhung khổ lắm, mình bà lang thang xin ăn khắp thôn. Nhìn cảnh bà ấy sống cô độc trong căn nhà bỏ hoang, thấy thương xót vô cùng”.
Theo ông Bồng, ngôi nhà mà bà Nhung đang trú ngụ là một khu nhà trẻ nhưng đã bỏ hoang nhiều năm nay. Cất tiếng gọi không thấy ai trả lời, ông Bồng bảo: “Chắc bà ấy lại đi xin cơm rồi, cứ chiều là hay đi, chỉ một lúc là về thôi. Các cháu cứ ngồi đây chờ”.
Ông Lê Duy Cành, Bí thư Chi bộ thôn Phú An cho biết: Hàng ngày chỉ có một mình bà Nhung lủi thủi trong nhà. Hoàn cảnh khó khăn, không có đồ đạc gì để nấu cơm nên đến bữa, bà lại xách cặp lồng đi khắp làng xin cơm. Người dân ai cũng thương và chính quyền cũng đã tạo điều kiện hết sức để giúp bà đỡ vất vả phần nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2006 khi chồng bà Nhung qua đời cũng là lúc người con gái út làm ăn vỡ nợ. Khi người con út bỏ đi cũng là lúc bà không nhà cửa, không nơi để lập bàn thờ chồng. Bà xách đồ đạc cá nhân đi lang thang khắp nơi, sau đó chính quyền đã tạo điều kiện cho bà ra trú tạm ở ngôi nhà bỏ hoang.

Chẳng biết ngày mai

Trời chiều, cơn mưa xuân dần nặng hạt, chúng tôi tiếp tục câu chuyện với ông Bồng chờ bà Nhung về. Theo ông Bồng, trước đây khi còn khỏe, vợ chồng bà chăm chỉ làm ăn. Chồng bà từng là công nhân đường sắt còn bà buôn bán, kinh doanh tại nhà. Sau khi con cái trưởng thành, người lập gia đình ở trong Nam, người sang Trung Quốc, ở cùng bà chỉ có người con gái út.

Phía ngoài căn nhà xập xệ mà bà Nhung đang trú ngụ.
Phía ngoài căn nhà xập xệ mà bà Nhung đang trú ngụ.

Đang dở câu chuyện với ông Bồng thì bà Nhung về. Cánh tay run rẩy đặt chiếc cặp lồng xuống sân, khi cánh cửa chính bật mở, một cảnh tượng tan hoang trong nhà khiến  chúng tôi xót xa. Nhà trẻ của thôn đã bỏ hoang từ lâu, xung quanh  đầy rác rưởi, gạch gỗ liểng xiểng. Nhà tối om, không có điện, cửa sổ không có cánh, cửa đại xập xệ. Tường nhà từng mảng vôi vữa bong tróc rơi rụng xuống đất. Nền nhà ẩm ướt, mốc loang từng đám trắng xóa...
Ngồi trên chiếc giường xập xệ, kê giữa nhà để tránh mưa dột, bà Nhung kể: “Tôi có 4 người con nhưng mỗi đứa một nơi, chúng ở xa lắm nên chẳng nhờ được đứa nào. Cô con gái út là Nguyễn Thị Anh lấy chồng ở gần nhất cũng đã bỏ đi biệt tích sau khi tôi bán nhà đưa tiền cho nó trả nợ. Từ ngày đó đến giờ đã 5 năm rồi, cuộc sống của tôi không nhà không cửa và sống nhờ bà con làng xóm. Tôi sợ lúc mình già yếu, có bị cảm ốm mà chết cũng không con nào biết đường về  mà lo ma chay...”.
Vừa trò chuyện, bà vừa nhấc nắp chiếc cặp lồng, trong đó có một ít cơm, mấy miếng thịt, ít cọng rau muống. “Cũng may còn nhờ những người hàng xóm tốt bụng, chứ chờ mấy đứa con thì có lẽ tôi cũng đã khô xác rồi”, bà nói rồi lại khóc.
Rồi bà kể, dịp Tết vừa qua, người con gái út của bà đã gọi điện về nhờ hàng xóm mắc điện trong nhà để có ánh sáng sinh hoạt cho mẹ. Nhưng do bà đã già yếu, chân tay run rẩy, lại không có ai chăm sóc nên thôn xóm không dám mắc điện. Ai cũng lo, lỡ may bà sờ vào điện bị giật không ai hay thì chẳng biết sẽ như thế nào.
“Những ngày Tết nhìn mọi người con cháu quây quần đông đủ, còn bà lang thang một mình chúng tôi ai nấy đều thương. Chính quyền thôn nhiều lần đề nghị với các chính quyền xã xem xét cho bà được về trại dưỡng lão của tỉnh nhưng chưa được”, ông Phạm Văn Xuyên - Trưởng thôn Phú An cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cao An, hoàn cảnh của bà Nhung chính quyền đều đã rõ. Nhà cửa của bà Nhung đã bán hết, thân già một mình xin ăn khắp nơi, không ai chăm nom phụng dưỡng. UBND xã cũng đã chỉ đạo thôn xóm quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh của bà và mong các cá nhân, đơn vị bảo trợ xã hội, cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Nên đọc
Theo Báo Gia đình & Xã hội
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo