Xót xa cảnh 6 mẹ con sắp… quên mùi thịt
Vượt đoạn đường dài hơn 100 km từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi về xã Nâm Nung, huyện Krông Nô vào một ngày cuối tháng Tám. Con đường dẫn từ trung tâm huyện về đến xã đã được bê tông hóa phẳng lỳ, nhưng để vào được đến nhà chị cũng phải vất vả băng qua ngót nghét 10km đường rừng.
Chúng tôi đang muốn nhắc đến hoàn cảnh éo le của 6 mẹ con chị Đoàn Thị Hà, thôn Tân Lập, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông. Thắp nén nhang lên bàn thờ người chồng quá cố, gạt đi dòng nước mắt, bằng cái giọng run run của người bệnh, chị thều thào chia sẻ về những khó khăn chồng chất của gia đình.
Năm 2000, anh và chị lấy nhau, bản thân là người dân tộc Tày, gia cảnh nghèo khó, hai vợ chồng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nghèo, đói nhưng trong căn nhà tạm xập xệ sâu trong hốc núi của anh chị vẫn luôn tràn ắp tiếng cười. Hạnh phúc hơn khi những đứa con lần lượt ra đời, tất thảy, đứa nào cũng ý thức được gia cảnh nên rất ngoan và thương bố mẹ.
Năm đứa con thơ tuổi ăn tuổi học, hai vợ chồng không nương, không rẫy quanh năm chỉ biết đi làm thuê chạy ăn từng bữa nhưng vẫn bảo nhau cố gắng để con bám lớp học chữ với hy vọng mai sau nó đổi đời. Tai ương ập xuống khi anh Trương Công Đệ - chồng chị đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Nói đến đây, đôi mắt ngấn nước của chị trào lệ: “Nếu có tiền cho anh ấy đi chữa trị thì chắc anh ấy cũng không đi sớm như vậy em à!”. Chị kể, biết anh bị bệnh nên động viên anh đi khám, khổ nỗi vay mượn khắp nơi chỉ đủ đưa anh lên bệnh viện huyện, bác sĩ bảo anh bị phổi, phải lên tuyến trên khám nhưng nào đâu đi được! Anh bệnh nhưng vẫn nén đau cố gắng làm lụng để kiếm thêm chút tiền. “Nào ngờ mới đây, không chịu nổi cơn đau, cả nhà đưa đi cấp cứu, đến cổng viện thì anh đã ngưng thở”, chị Hà thều thào trong nước mắt.
Bước vào căn nhà, nhìn lên bàn thờ chúng tôi không hề hay biết là anh mới mất chưa đầy 20 ngày bởi nó quá đơn sơ và lạnh ngắt. Nói là nhà chứ thực ra không bằng cái chòi canh rẫy của người ta. Bốn cột nhà nay chỉ còn ba, căn nhà nghiêng hẳn ra phía sau, tiềm ẩn nguy cơ sập bất cứ lúc nào! Trong căn nhà ấy đầy mùi ẩm mốc của những ngày mưa dầm, không cửa, không tường, chỉ có mấy miếng gỗ nham nhở cộng thêm mấy tấm phên no mưa đẫm nắng ghép lại. Nhưng nào đâu có che lại được mưa nắng của chốn đại ngàn, Sơn – con trai đầu của chị bảo, mấy đêm nay mưa là cả nhà khỏi ngủ, nước mưa hắt vào làm áo quần sách vở ướt hết. Thứ đồ vật giá trị nhất trong căn nhà ấy chỉ là mấy cái xoong, nồi đít bám đầy nhọ và chiếc xe đạp cà tàng không phanh hằng ngày mấy chị em đèo nhau đi học.
Từ ngày chồng mất, chị Hà vốn sức khỏe yếu nay thêm đau bệnh nên chỉ nằm ở nhà. Mọi việc trong nhà đều do Sơn và em Ngọc (12 tuổi) cáng đáng. Hai anh em Sơn sau mỗi buổi học đều chạy ngay về nhà, đứa lo trông em, đứa lo bữa trưa cho cả nhà. Chiều Sơn lại đi chăn bò thuê thay mẹ để kiếm tiền mua gạo còn Ngọc vào rừng kiếm rau đắng, măng rừng chuẩn bị thức ăn cho ngày mai.
Lúc chúng tôi đến, em Ngọc đang nấu bữa trưa cho cả nhà, không thể tưởng tượng nổi bữa trưa của sáu con người chỉ có nồi cơm chia vừa đủ mỗi người một chén và tô canh bí. Nói là canh nhưng thực ra chỉ luộc lên và cho thêm chút muối chứ không có dầu, có hành gì cả. Gương mặt lấm lem, Ngọc bảo: “cả tháng nay chỉ ăn vậy thôi chú à, em thì sao cũng được nhưng chỉ thương cơm cúng của ba không ngon, thương mẹ đau bệnh không biết bao giờ mới lành!”. Nhà có khách, mấy đứa trẻ lý nhí mời cơm, tôi để ý thấy bé Ngọc mặt luôn cúi xuống, ăn rất chậm để nhường thức ăn cho mẹ và em.
Vừa đút cho đứa út ăn, chị Hà vừa nói, lâu lắm rồi cả nhà chưa biết đến một miếng thịt lợn. “Có lẽ, tụi trẻ cũng sắp quên luôn mùi thịt rồi!”, câu nói của chị khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Hiện cả nhà đang gánh khoản nợ 20 triệu đồng vay của ngân hàng chính sách để làm rẫy không biết đến ngày nào mới trả được. Mong muốn nhất của chị Hà chỉ là có chút tiền sửa lại căn nhà để những đêm mưa những đứa con tội nghiệp không phải thức trắng, mua thêm chiếc xe đạp cho mấy đứa nhỏ đến trường bớt khổ. Khi nhắc đến tiền chữa bệnh, chị chỉ cúi đầu nói “chỉ mong con bớt khổ, tôi thế nào cũng chịu được!”.
Với bà mẹ nghèo, thứ tài sản lớn nhất của chị là 5 đứa con ngoan và những tờ giấy khen học giỏi của chúng. Đau bệnh nhưng khuôn mặt chị vẫn nở nụ cười khi khoe với chúng tôi những tờ giấy khen được chị gói kín cất cẩn thận. Cầm tập giấy trên tay, khuôn mặt chí ánh lên vẻ tự hào.
Về tình hình học tập của các con chị, thầy Hán Quốc Thụy, hiệu trưởng trường THCS Nâm Nung cho biết, 2 anh em Sơn và Ngọc là một trong những em có hoàn cảnh khó khăn nhất trường, nhưng các em rất chăm học và chịu khó học. Từ trường đến nhà gần 10km đường rừng nhưng các em vẫn đến lớp đều đặn. Vừa rồi trường có nhà bán trú dân nuôi và bản thân tôi đến động viên, ưu tiên cho các em vào ở nhưng các em vẫn không ở vì em bảo ở bán trú thì không ai nuôi em không ai nuôi mẹ. Đầu mỗi năm học nhà trường luôn vận động mọi nguồn quỹ, hỗ trợ các em các vật dụng, áo quần và động viên các em cố gắng học tập.
Khi nhắc về gia cảnh éo le của gia đình chị Hà, bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung ngậm ngùi, gia đình chị Hà là một trong những hộ khó khăn nhất của xã. Giờ chồng chị mới mất, lại gánh thêm 5 đứa con đang tuổi ăn học, bản thân chị Hà cũng đau yếu liên miên nên khó khăn chồng chất. Mỗi khi có chính sách hỗ trợ người nghèo, địa phương luôn ưu tiên cho gia đình chị với hy vọng hỗ trợ để 6 mẹ con có đủ cái ăn cái mặc, con cái được đến trường đầy đủ.
Trời Nâm Nung bắt đầu đổ mưa, chúng tôi phải nhanh chóng ra về bởi mưa lớn thì sẽ không ra phía bìa rừng được. Hình ảnh sáu mẹ con tay bồng, tay bế ra tận cửa vẫy chào khách khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, tâm trí tôi vẫn bị ám ảnh bởi câu nói thương đến lạ: “có lẽ, tụi trẻ cũng sắp quên luôn mùi thịt rồi!”
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất