Xót xa cảnh bà bị đái tháo đường nuôi cháu bại não
Chúng tôi tìm được vào nhà bà Lê Thị Hòa (thôn 9B, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cũng là lúc xế chiều một ngày mưa, những đám khói len lỏi qua mái nhà khiến cái không khí ở chốn núi rừng vốn ảm đạm càng thêm thê lương. Ngôi nhà của bà nằm sâu trong bìa rừng, lối duy nhất để vào là đường đất đỏ lầy lội, tứ phía là rừng, đồi, nương, rẫy.
Bà Hòa năm nay đã ngoài 60 nhưng cuộc sống khắc khổ dường như khiến ngoại hình của bà già hơn nhiều so với cái tuổi ngoại lục tuần. Sức khỏe chưa quá yếu nhưng hằng ngày bà không thể làm được việc gì ngoài quanh quẩn trong 4 bức tường trông coi đứa cháu ngoại tội nghiệp của mình.
Bắc vội nồi cháo cho đứa cháu, bà mời chúng tôi ngồi nhưng loay hoay chả biết ngồi đâu vì kỳ thực nhà không có bàn cũng chẳng có ghế. Bà kể, trước đây là thanh niên xung phong nhưng về già không có chế độ trợ cấp. Hiện mấy con người trong gia đình bà đang sống trong căn nhà tình thương rộng chừng 30m2 bị dột nước nham nhở. Trong ngôi nhà ấy, chiếc nồi cơm điện đã giành lấy vị trí thứ giá trị nhất trong nhà bởi chiếc ti vi cũ đã hỏng từ lâu. Cám cảnh thay, cái xoong, cái nồi, cái tivi cũng là người ta thấy thương quá nên cho!
Bà cùng gia đình đi kinh tế mới vào Đắk Nông từ những năm 1986. Năm 2003, cô con gái bà là chị Phan Thị Tuyết yên bề gia thất, sinh được cô con gái đầu lòng đặt tên Phan Thị Kim Ngân. Nhưng đau buồn thay, từ khi sinh ra bé Ngân đã mắc chứng bại não. Nỗi đau của gia đình nhỏ chưa dừng lại ở đó khi ba bé Ngân - trụ cột kinh tế của gia đình cũng rời bỏ mẹ con bé Ngân trong một tai nạn lao động vào năm 2009.
Gạt dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, bà kể tiếp: “Con bệnh, chồng mất, cú sốc quá lớn khiên con Tuyết vốn tinh thần không được minh mẫn nay càng thêm trầm trọng. Nó chỉ lang thang, ai bày gì làm nấy, có khi đi đằng đẵng hàng tháng trời không về nhà nhìn con”.
Bé Ngân năm nay đã 11 tuổi nhưng chỉ nằm một chỗ vì chứng bại não, không có nhận thức. Những ngày trái gió trở trời, bệnh đau liên miên, không có điều kiện đưa ra bệnh viện nên chỉ cho nằm nhà và uống mấy thứ thuốc lặt vặt mua quanh xóm.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng lẽ bà Hòa phải được an dưỡng tuổi già nhưng số phận nghiệt ngã đã tước đoạt tất cả của bà. “Bà thì bệnh tật không sống được bao lâu nữa nhưng nhìn con bé Ngân bà không biết phải làm sao. Thương con, thương cháu lắm lúc bệnh tật hành hạ bà cũng phải bò dậy mà nấu cho nó miếng cháo. Điều bà lo nhất là khi bà chết đi, ai sẽ chăm sóc cho đứa cháu tội nghiệp của bà”, bà Hòa nghẹn ngào trong tiếng nấc.
Hai bà cháu bà Hòa sống bằng số tiền 670.000 đồng trợ cấp hàng tháng của bé Ngân. Bà bữa no bữa đói dành dụm tiền để lo cho bé Ngân, những hôm hết gạo đành ăn cháo loãng với rau rừng trừ bữa.
Hiện gia gia đình đang gánh khoản nợ 20 triệu đồng vay vốn xóa đói giảm nghèo đã lâu nhưng vẫn chưa trả nổi. Bà kể thêm: “Mùa giáp hạt, tiền không có nên phải đi mua chịu người ta chút gạo, tí thịt cho bữa cháo của cháu thêm chất, người ta thương nên vừa bán vừa cho nhưng mình cũng không làm vậy mãi được. Bà thì cho bé Ngân ăn no xong bà ăn phần cháo dư còn lại cũng đủ bữa rồi!”
Những ngày cuối mùa mưa, sức khỏe của 2 bà cháu cũng thay đổi thất thường theo thời tiết xứ đại ngàn. “Những hôm trái gió trở trời, bà đau nằm một chỗ, bé Ngân nó cũng trở bệnh quấy khóc, bà chỉ biết ôm cháu mà khóc chứ chẳng biết kêu ai!”, bà Hòa lạc giọng.
Nhắc đến đứa con gái tội nghiệp của mình, bà lại thở dài, thương con thương cháu hoàn cảnh éo le chỉ biết cúi đầu mà sống. Bà chỉ đau đáu trong mình lỗi lo cô con gái mình lầm đường lỡ bước, bị người ta lừa gạt rồi có mệnh hệ gì bà cũng không biết phải làm sao!
Trao đổi với ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, ông cho biết gia đình bà Hòa là một trong những hộ khó khăn của xã khi gia cảnh nghèo túng lại phải nuôi cháu bệnh tật. Những dịp lễ, tết, chính quyền vẫn cố gắng thu xếp xuống động viên, hỗ trợ bà cháu cố gắng. Khi có những chính sách hỗ trợ người nghèo, xã đều quan tâm, ưu tiên cho những gia đình này, bên cạnh đó kêu gọi lòng hảo tâm của các mạnh thường quân trên địa bàn chung tay giúp đỡ cho bà.
Trời nhá nhem tối, chia tay ra về, bà ôm cháu ngồi tựa trước cửa nhà tiễn khách. Chúng tôi phải xách giày và xắn cao quần để vượt qua khúc bùn lầy nhầy nhụa sau những ngày mưa đầm để ra đường lớn. Thi thoảng ngoái đầu nhìn lại, hai bà cháu vẫn đang nhìn theo chúng tôi. Hình ảnh hai con người khốn khổ bệnh tật nhỏ dần khuất sau những tán cây rừng và những làn khói phảng phất bay trên giữa nền trời ảm đạm khiên ai nấy cũng phải xót xa, thương cảm!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam