Xã hội

Xót xa cô dâu Việt bị rao bán như hàng hóa tại Trung Quốc

(DNVN) - Tại trang mua bán nổi tiếng Taobao của Trung Quốc, cô dâu Việt bị rao bán như một thứ hàng hóa và được niêm yết giá 1.500 USD khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Tin tức trên báo Người lao động, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) đưa tin cô dâu Việt Nam đã bị rao bán với giá 9.998 nhân dân tệ (1.500 USD/người) trên Taobao, trang mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc, nhân sự kiện Ngày độc thân hay còn gọi là Song thập nhất ngày 11/11.

Đoạn quảng cáo rao bán cô dâu Việt Nam giá 1.500USD khiến nhiều người xót xa.- Ảnh: South China Morning Post.

Theo nội dung một đoạn quảng cáo đăng tải mua sắm cô dâu Việt như một thứ hàng hóa lúc 16 giờ ngày 11/11 (giờ Trung Quốc) trên Taobao, “cơn sốt mua sắm vợ Việt Nam nhân ngày Song thập nhất đây. Chỉ với 9.998 nhân dân tệ, có thể rinh về nhà một cô vợ xinh đẹp”.

Mẫu quảng cáo mang tính sỉ nhục phụ nữ kể trên còn trưng ảnh Chương Tử Di, nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, kèm nội dung khẳng định 98 “món hàng” mà phía đăng quảng cáo đang sở hữu sẽ được chở từ tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, đến tận nơi cho khách đặt mua ở bất kỳ đâu trên cả nước này. Báo Thanh niên thông tin.

Theo thông tin đăng tải trên Taobao, đơn vị rao bán cô dâu Việt Nam là Cửa hàng Quà tặng Wang Xiao Xi. Cửa hàng này nói đã bán được 2.568 cô dâu Việt trong 30 ngày qua. South China Morning Post cho biết đoạn quảng cáo này hiện đã không còn trên Taobao.

Vào ngày 11/11 hàng năm, Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, đều tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến trên trang web Taobao. Báo Zing news thông tin.

Trước khi chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng nước này có hai con, chính sách một con đã định hình cuộc sống gia đình tại quốc gia này trong hơn 3 thập kỷ và tạo ra sự mất cân bằng giới tính. Các số liệu mới nhất cho thấy ​tỷ lệ nam/nữ ở Trung Quốc là 118/100. 

 

Điều này  cùng các yếu tố kinh tế thúc đẩy xu hướng đàn ông Trung Quốc tìm vợ ở các quốc gia láng giềng, gồm Việt Nam.​ Trong khi đó, nhiều phụ nữ Việt muốn lấy chồng Trung Quốc vì hy vọng cuộc sống tốt hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam bị rao bán như hàng hóa trong Ngày Độc Thân ở Trung Quốc. Cứ đến trước và sau sự kiện này, báo chí Trung Quốc lại đua nhau viết về phong trào lấy cô dâu Việt Nam.

Dã Qùy (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo