Xót xa gia đình 4 thế hệ sống lay lắt ở bãi Giữa sông Hồng
Một “căn nhà” nhỏ tạm bợ, lênh đênh trên ven sông ở xóm Phao, bãi Giữa, sông Hồng là nơi trú ngụ của một gia đình 4 thế hệ suốt 20 năm qua. Cả gia đình có 8 người sống lay lắt ngày này qua ngày khác trong căn nhà ọp ẹp chưa nổi 10 mét vuông. Chị Hường (sinh năm 1983) quê ở Thanh Hóa, lấy anh Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1986) và cùng nhau làm ăn sinh sống tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, do người thân của chị đã không còn nữa nên hai vợ chồng phải đưa nhau ra Hà Nội sống.
Ra Hà Nội mưu sinh không lâu thì gia đình nhỏ của anh chị có thêm niềm vui khi chị Hường sinh được bé gái kháu khỉnh, xinh xắn. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được bao lâu thì nỗi buồn lại ập tới với đại gia đình 4 thế hệ này. Ngay khi sinh cháu được 1 tháng rưỡi, chị Dương Thị Hường đã đổ bệnh teo cơ khiến chị không thể đi lại, đến nay đã là 4 năm, cuộc sống vô cùng khó khăn, không thể tiếp tục chữa trị, nên chị đành chấp nhận cuộc sống cứ diễn ra như thế. Oái oăm thay, ngay sau khi chị Hường đổ bệnh thì chồng của chị là anh Cường cũng bị chứng bệnh teo cơ hành hạ khiến cơ thể anh gầy guộc và không thể lao động để nuôi chị và gia đình.
Cuộc sống ở Hà Nội đã khó khăn nay còn eo hẹp hơn khi chị bị liệt do cơ thể quá yếu sau khi sinh bé gái được 1,5 tháng. Cả nhà chạy vạy, com cóp, bán cả nhà (nói là nhà nhưng chỉ là căn nhà rộng chưa tới 10 mét vuông trong nội thành Hà Nội) để đưa chị Hường đi chữa trị tại bệnh viện Bạch Mai nhưng không có tiến triển.
Do không có khả năng chi trả tiền chữa bệnh nữa nên gia đình đành phải để chị sống trong cảnh các cơ ngày một teo liệt đi. Nhiều lúc nhìn vào cảnh đời chị muốn buông xuôi nhưng lại nghĩ về đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi đang cần tình mẹ nên chị lại phải cố sống, cố chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Biết được hoàn cảnh của gia đình và tình trạng sức khỏe của chị Hường, một số học sinh, sinh viên và người nước ngoài đã tìm đến khu này, thăm khám và xoa bóp, bấm huyệt từ thiện nên chị đã có thể ngồi dậy được. Tuy nhiên, do không có điều kiện thuốc thang, chữa trị đầy đủ nên chỉ được một thời gian ngắn sức khỏe của chị Hường lại đi xuống, chị không thể làm bất cứ việc gì, ngay cả vệ sinh cá nhân cũng đều do mẹ chồng giúp đỡ.
Gia đình cũng mang giấy tờ tùy thân của chị Hường về địa phương nơi chị sinh sống trước đây để mong nhận được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng không giải quyết được việc gì. Nguyên nhân cũng chẳng thể éo le hơn khi chính quyền nơi chị sinh sống trước đây cho rằng chị Hường đang sống ở phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội nên chị sẽ được hưởng những phúc lợi xã hội, chính sách ở đây còn chính quyền nơi đó thì không có trách nhiệm.
Bác Nguyễn Thế Hùng, bố chồng chị, nuốt nước mắt chia sẻ: "Nhà có hai anh con trai là lao động chính, đi làm thuê trên phố từ sáng sớm tới tối mới về, lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn phải cố trụ, vì các anh cũng bị teo cơ. Còn bác gái là vợ bác cũng bị teo cơ, nhưng nhẹ hơn nên ngày vẫn cố gắng đi nấu cơm, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Ngày vừa đi làm thuê, vừa đi nhặt rác, vừa chăm con dâu, trông cháu, nhưng bác gái vẫn cố gắng lao động để tiếp tục bám trụ cuộc sống".
Để có được "căn nhà" nổi trên sông Hồng, gia đình bác Hùng đã phải vay mượn khắp nơi và hiện tại gia đình bác vẫn còn mang một khoản nợ không hề nhỏ và không biết khi nào có thể chi trả nổi.
Đã khó khăn tình trạng sức khỏe của các con là thế nhưng gia đình 8 người của bác Hùng lại phải sống trong cảnh chính quyền không công nhận, không cho đất làm kinh tế, nên gia đình bác chỉ còn cách đi làm thuê, nhặt rác, bòn chắt được 30 – 50 chục nghìn mỗi ngày nuôi cả gia đình 4 thế hệ, bác Hùng chia sẻ thêm.
Rời căn nhà nhỏ ở bãi Giữa, lòng tôi như trĩu nặng, không biết những ngày tới đây, đại gia đình 4 thế hệ với đồng lương ít ỏi sẽ biết xoay đâu ra chi phí để đưa con đi chữa trị, cứu sống lấy sự sống mong manh ấy. Nhìn đứa trẻ còn non nớt, người phụ nữ từng giờ chống chọi với căn bệnh quái ác khiến mọi người không khỏi chạnh lòng xót xa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo