Xử đại án tham nhũng tại Agribank: Tòa ngắt lời vì luật sư bào chữa trùng lặp
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, sáng 28/12 phiên xét xử đại án tại Agribank trở nên căng thẳng khi các luật sư dẫn lại ý kiến và yêu cầu VKS đối đáp rõ ràng, trong khi chủ tọa lại ngắt lời vì các luật sư bào chữa trùng lặp. Trước đó, khi trình bày bài bào chữa cho nhóm bị cáo bị truy tố trong đại án tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank), đa số các luật sư đều cho rằng cáo buộc của viện kiểm sát đối với các bị cáo là quá nặng, không có cơ sở.
Cả hai bị cáo Đỗ Thị Liên Hương và Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Hà Tây) đều cho rằng mình là công chức bước 1. Nhiệm vụ của công chức bước 1 là tiếp nhận, kiểm tra tờ khai. Phát hiện doanh nghiệp nợ 57 triệu tiền thuế, các bị cáo đã đề xuất kiểm tra hàng hóa.
Sau khi được lãnh đạo Chi cục đồng ý, công chức bước 2 kiểm tra hàng hóa và công chức bước 3 có trách nhiệm kiểm tra xem doanh nghiệp đã nạp thuế chưa, sau đó mới cho thông quan. Vì vậy các bị cáo cho rằng hậu quả xảy ra thuộc trách nhiệm của công chức bước 3.
Về vấn đề này, đại diện viện kiểm sát cho rằng ngày 12/1/2010, hai bị cáo Hương và Hằng tiếp nhận 6 tờ khai hải quan của Công ty Cổ phần Enzo Việt.Các bị cáo tìm trên hệ thống thấy doanh nghiệp nợ 57 triệu đồng tiền thuế quá hạn nên đã xác nhận trên lệnh hình thức doanh nghiệp không được hưởng ân hạn thuế.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng mặc dù trên lệnh hình thức, Hương và Hằng tích vào ô không được hưởng ân hạn thuế nhưng khi nhập dữ liệu vào hệ thống thì hai bị cáo lại nhập thông tin cho cho Công ty Enzo Việt được hưởng ân hạn thuế. Qua kiểm tra, cơ quan điều tra xác định trên cả 6 tờ khai đều có nội dung doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế.
Theo đại diện VKS, trách nhiệm của công chức bước 1 là nhập dữ lệu sau đó ra công báo (chứng từ thuế phải thu) để gửi doanh nghiệp nhưng các bị cáo không làm, chính vì vậy công chức bước 3 đã cho doanh nghiệp thông quan, gây thất thu cho nhà nước trên 6 tỷ đồng tiền thuế.
Đại diện viện kiểm sát cho rằng công chức bước 1 là quan trọng nhất, xác định doanh nghiệp có được thông quan hay không, công chức bước 3 cho thông quan căn cứ trên dữ liệu mà các bị cáo đã nhập, vì vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Việc VKS truy tố các bị cáo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ.
Về quan điểm của luật sư cho rằng chưa xác định được các đối tượng người nước ngoài lừa đảo trong vụ án này đã đưa các bị cáo ra xét xử là phiến diện, đại diện VKS cho rằng qua các tài liệu liên quan thì các bị can người nước ngoài không liên quan đến vụ án.
Về yêu cầu của luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS cho rằng căn cứ tài liệu có trong hồ sơ đủ căn cứ kết tội đối với các bị cáo.
Đối đáp lại quan điểm của VKS, đa số các luật sư đều bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng viện kiểm sát không đối đáp lại các quan điểm luật sư đưa ra mà chỉ nói chung chung rằng giữ nguyên quan điểm như cáo trạng, việc này sẽ gây nên sự áp đặt.
Phiên tòa trở nên căng thẳng khi HĐXX đã ngắt lời phần đối đáp luật sư Trần Hồng Phúc (bảo vệ cho bị cáo Lương) và yêu cầu chuyển micro cho luật sư khác vì cho rằng bà Phúc nói lặp lại.
Trong khi đó, đối đáp với biện luận của luật sư khi cho rằng bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu Tổng giám đốc Agribank) đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ, kiểm sát viên cho rằng khi Chi nhánh Nam Hà Nội không đủ tiền, ông Tân đã ký quyết định nâng quyền phán quyết, cho vay ngoài quy định 75 triệu USD. “Đây là hành vi trái với quy định trong nghị quyết của hội đồng quản trị Agribank” – kiểm sát viên cho hay. Báo Tiền phong thông tin.
Đối với bị cáo Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội), quá trình tranh luận, thẩm vấn, bị cáo và các luật sư đều khẳng định không phạm các tội như truy tố trước đó. Tuy nhiên, tại toà, kiểm sát viên phân tích, quá trình thẩm vấn công khai cùng các tài liệu có trong hồ sơ đủ để khẳng định nội dung cáo trạng là đúng.
Theo đó, trên thực tế, hạn mức cho vay đối với Cty Enzo Việt đã hết nhưng cựu giám đốc chi nhánh đã chỉ đạo thuộc cấp tiếp tục cho vay.
Thủ thuật được đưa ra chính là việc dựng lên một hợp đồng liên kết các công ty của Lê Minh Hiếu để thực hiện dự án dệt - nhuộm - may. Cty của Lê Minh Hiếu mặc dù làm ăn không có lãi, song đã được “sửa sang” hồ sơ để hợp thức hoá.
Cũng theo kiểm sát viên, lời khai của các bị cáo liên quan khẳng định, chính Lương là người đã chỉ đạo các nhân viên trong công tác thẩm định cho vay và đề xuất nâng quyền phán quyết. Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo