Xử lý ‘cục máu đông’ nợ xấu: Chuyên gia hiến kế gì?
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định không thể xử lý nợ xấu chỉ bằng niềm tin, nhất thiết phải có ‘tiền tươi thóc thật’.
Xử lý nợ xấu là vấn đề sống còn không chỉ với hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế. Sau 3 năm triển khai tái cơ cấu, đây vẫn là nút thắt khó gỡ nhất của các ngân hàng.
PGS, TS. Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh yếu tố nguồn tiền xử lý nợ xấu. Theo ông Thiên, đã đến lúc chúng ta cần coi nợ xấu như món hàng và dùng tiền thật để mua, để xử lý, chứ không thể “giả vờ” mua bán như hiện nay.
- Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu, ông và rất nhiều chuyên gia khác đã đánh giá việc tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu thời gian qua kém hiệu quả. Theo ông, mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
Tôi thấy ngân hàng đã làm được tương đối nhiều việc nhưng mới chỉ là những việc đối phó để giải tỏa nguy cơ trước mắt, tránh sự sụp đổ mà thôi.
Còn 2 điểm mấu chốt nhất của tái cơ cấu ngân hàng là xử lý nợ xấu để làm sạch hệ thống, để tránh rủi ro và giải quyết sở hữu chéo thì chưa làm được. Đó mới là mấu chốt của vấn đề.
Có lẽ một phần do thời gian vừa qua, chúng ta gặp phải những khó khăn ngắn hạn và lại là những khó khăn cực kỳ gay gắt nên buộc chúng ta phải tập trung tháo gỡ cái đó. Bởi vậy những mục tiêu dài hạn chưa làm được gì nhiều, chưa thể có sự chuyển biến như kỳ vọng.
- Có ý kiến cho rằng nên để cho ngân hàng yếu kém phá sản thay vì sáp nhập với nhau như hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là những ngân hàng nào quá yếu kém, có khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải đặt vấn đề xử lý một cách rất nghiêm túc.
Ở nước ngoài thì họ cho phá sản hoặc nhà nước mua lại để cho tái cấu trúc lại ngân hàng đó. Ở nước ta thì ta chưa dám cho phá sản vì thực ra cũng sợ gây ra sự đổ vỡ dây chuyền, áp lực tâm lý. Đến cả ngân hàng không yếu cũng sợ nhỡ mà dân lao đến rút tiền ra thì chẳng mấy chốc mà hỏng. Cho nên sự cẩn thận của nhà nước cũng có cái lý.
Hiện ta đang cho sáp nhập giữa một ngân hàng mạnh với một ngân hàng yếu thì cũng là cách chia sẻ. Tôi cho là 8 ngân hàng mà chúng ta đã phải xử lý bằng cách cho sáp nhập vừa qua, hiện giờ độ an toàn của nó khá tốt, bắt đầu chuyển sang xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, như vậy là có hiệu quả.
- Vì sao việc xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay vẫn chưa thấy có tiến triển gì, dù sắp bước sang năm cuối cùng của lộ trình tái cơ cấu, thưa ông?
Thực ra, việc xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo không phải đơn giản. Xưa nay chúng ta hay ảo tưởng là dễ làm, chi phí rẻ, không tốn kém, chỉ làm mấy năm là xong. Nhưng thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu là vô cùng gian khổ, khó khăn và tốn kém chi phí.
Bài học ở Nhật Bản trước đây cho thấy, việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu gắn với bất động sản là rất khó khăn. Nhật Bản là một nền kinh tế có hệ thống tài chính khá vững chắc, các kỷ luật tài chính rất nghiêm, rồi lạm phát của Nhật lúc đó gần như bằng 0… Thế mà khi Nhật vướng vào, tưởng cũng ăn ngay, giải quyết được trong 2, 3 năm, cuối cùng nó kéo cho vài chục năm.
Vì thế xử lý nợ xấu ở Việt Nam không được coi thường. Chúng ta phải có một thái độ rất quyết liệt, phải làm thật, xử lý thật nợ xấu, coi nợ xấu như món hàng để mà có tiền thật, chứ không thể giả vờ mua bán.
Cách làm như hiện nay chỉ tạm thời thôi. An ủi thì cũng chỉ tạm thời thôi, chứ mua bán thì phải có tiền thật, nếu không nợ vẫn là nợ. Thế nên chỗ này, khái niệm tiền tươi thóc thật ấy là nó có ý nghĩa như vậy.
Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) có sứ mệnh của nó. Tôi đồng ý. Nhưng sứ mệnh ấy của VAMC không đủ để giải quyết khó khăn về nợ xấu hiện nay. Vậy ta phải giúp nó, phải tăng cường tiềm lực tài chính cho nó, tăng quyền cho nó thì mới giải quyết được vấn đề.
- Như ông nói cần phải có “tiền tươi thóc thật”, nhưng hiện ngân sách nhà nước đang khó khăn, khó có thể chi ra để xử lý nợ xấu. Theo ông thì phải huy động nguồn nào để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ hiện nay?
Ở đây không phải ta có cục nợ xấu, rồi tự nhiên ta trút cả đống tiền ra mua ngay. Nó là có quá trình, ví dụ ta tính trong 5 năm, hay 10 năm để giải quyết chỗ nợ xấu này này.
Chẳng hạn như VAMC, lúc đầu tính 5 năm có thể xử lý hết nợ xấu, bây giờ có thể dài hơn một chút, thì lộ trình kiếm tiền để xử lý cũng vậy.
Còn chuyện lấy tiền ở đâu để xử lý nợ xấu?
Tôi cho rằng chúng ta cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả cũng thu được khối tiền để giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, một số doanh nghiệp nhà nước đại tướng, ví dụ như Sabeco, bán thêm một chút cổ phần sẽ thu thêm được khá nhiều tiền. Trước mới bán vài %, nay bán thêm 10%, 20% cổ phần thì nhiều tiền lắm. Hay Vinamilk cũng thế, bán bớt cổ phần đi, thu được nhiều tiền lắm, nhà nước giữ cái đó làm gì?
Tôi thấy giờ phải bán cổ phần của các doanh nghiệp lớn đi mà lấy tiền xử lý nợ xấu. Nếu cần thiết nữa thì đi vay. Đi vay chịu lãi suất còn hơn là để nợ xấu gây hệ lụy như hiện nay. Tất nhiên, ở đây phải có cách tiếp cận rất triệt để, nếu không thì vẫn không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo