Xử lý gần 17 nghìn vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái
Thông tin trên được ra tại buổi lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11) do Cục Quản lý thị trường phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức hôm 25/11 vừa qua.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đơn vị này đã chỉ đạo quyết liệt QLTT cả nước triển khai đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường,…).
Đặc biệt là tập trung vào các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội,… như mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện tử - điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm,... Những nỗ lực này đã mang lại những hiệu ứng tích cực trên thị trường, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ở một số ngành hàng đã có dấu hiệu giảm (như mặt hàng mỳ chính, mũ bảo hiểm,…).
Số liệu của Cục Quản lý thị trường cho biết, trong năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 17.396 vụ hàng giả, kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, đã xử phạt tiền đối với các đối tượng với tổng số tiền phạt 57,6 tỷ đồng và xử lý hàng loạt hàng hóa vi phạm chất lượng và giả mạo SHTT với trị giá trên 35,9 tỷ đồng. Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2015, kiểm tra, xử lý 16.876 vụ, xử phạt 53,2 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 41,4 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh cần đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp luật, nâng cao năng lực thực thi và nhất là tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật với các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, góp phần đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu vấn nạn hàng giả, hàng nhái, qua đó bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Thứ trưởng cũng cho rằng, các doanh nghiệp, Hiệp hội cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi nhất là việc giám sát thị trường quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Nhân dịp sự kiện, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam kêu gọi cộng đồng, người tiêu dùng Việt Nam hãy bài trừ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, các lực lượng thực thi trong việc phản ánh, cung cấp thông tin về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới