Xử lý hình sự nếu gây lãng phí lớn
(phapluattp) Theo ĐB Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp), lãng phí có mặt ở khắp mọi nơi, biểu hiện qua hàng ngàn hecta đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng rồi bỏ hoang; hay những khu chợ xây xong không ai buôn bán, công trình thủy lợi, tưới tiêu không sử dụng, hàng ngàn tỉ đồng làm kè vừa xây xong đã trôi sông... “Có những công trình đầu tư đến cả ngàn tỉ đồng nhưng rồi bỏ hoang. Như thế có khi chúng ta làm ra được 1 đồng nhưng lại phá đến 10 đồng, lãng phí kinh khủng quá” - ông Đương nói.
Chưa dừng lại, ông Đương điểm danh tiếp về sự lãng phí trong hiệu quả công việc khi “có không ít cán bộ, công chức sáng vác ô đi tối vác ô về”, rồi 30% cán bộ, công chức không sử dụng được. “Dân kêu nhiều quá, đóng thuế nuôi công chức nhiều quá. Nếu tôi được quyết định thì tôi cho số công chức này nghỉ hết. Tôi cũng đề nghị từ nay đến năm 2016 không tăng biên chế, không để bộ máy phình to ra nữa”.
Đề cập đến Điều 35 của dự thảo về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, qua theo dõi thấy lãng phí ghê gớm. “Mời nhiều đại biểu, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. Vậy tiền ở đâu ra, đó là ngân sách, tiền thuế của nhân dân. Do đó, cần phải có quy định rõ vấn đề trên để tránh lãng phí”.
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh), dự luật còn nhiều quy định mang tính vận động tuyên truyền. “Nếu chỉ vận động tuyên truyền thôi thì không khả thi. Luật là phải có chế tài thì mới khả thi” - bà Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ với các ý kiến trên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải có chế tài xử lý hành chính và phải xử lý hình sự nếu gây lãng phí lớn. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị: “Nên đưa vào Bộ luật Hình sự chế tài hành vi gây lãng phí ngang bằng với hành vi tham nhũng. Đồng thời, phải tăng tính minh bạch trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Chứ cứ đóng kín cửa còn dân đứng bên ngoài thì làm sao giám sát, phát hiện ra lãng phí được”.
Cũng theo ông Đương, phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Lãnh đạo phải làm gương chứ làm sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa thì nói sao được cấp dưới. Làm sếp là phải đặt kỷ luật lên đầu tiên và nếu để vi phạm nghiêm trọng thì phải truy cứu hình sự” - ông nói.
T.Hằng-T.Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo