Xử lý nợ xấu bằng cách nào?
Nợ xấu theo ước tính đã lên tới 10% tổng dư nợ của các ngân hàng, tác động xấu đến hoạt động của nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng. Xử lý nợ xấu đang được ngân hàng Nhà nước rốt ráo thực hiện nhằm làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, giải tỏa tắc nghẽn cho hệ thống tín dụng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện bằng cách nào để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả?
Nợ xấu như cục máu đông
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định: “Nợ xấu hiện nay như cục máu đông trong mạch máu, nên có bơm đến mấy, máu tín dụng vẫn không thể chảy được”.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên thiết lập một định chế của Nhà nước trong mua bán nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu bất động sản. Dĩ nhiên, không phải là mua tất cả nợ xấu bất động sản và mua với giá nào là vấn đề cần xem xét.
“Hiện nền kinh tế đang phải hứng chịu hệ quả của bong bóng bất động sản từ những năm 2007-2008, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực tế, giống như một cốc bia, bia thì ít, nhưng bọt thì nhiều. Và khổ thay, một phần bọt đó đang là tài sản thế chấp của các ngân hàng. Vì vậy, muốn mua nợ xấu bất động sản, cần phải tính toán kỹ càng, chỉ mua những khoản nợ xấu bất động sản ở những phân khúc có thể “làm ấm” thị trường”, ông Lịch nói.
Thực tế, thời gian qua, phần lớn các ngân hàng đều cho vay thế chấp bằng bất động sản. Thời bất động sản đang ở trên “đỉnh”, có ngân hàng còn cho vay thế chấp lên tới 70-80% giá trị bất động sản. Hệ quả là, đến nay, cùng với đà rớt giá của bất động sản, nhiều khoản thế chấp đang bị “âm”.
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: chính nợ xấu là lý do khiến các ngân hàng thời gian qua không dám tiếp tục cho vay, dù nguồn vốn không thiếu. Họ phải thận trọng hơn với các khoản vay để tránh các khoản nợ xấu tiếp theo. Điều này dẫn tới hậu quả là các ngân hàng có tiền mà không cho vay được, còn nền kinh tế thì vẫn tiếp tục khát vốn.
Rốt ráo xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản số 2871/NHNN-TD yêu cầu 14 NHTM, gồm Agribank và các Ngân hàng thương mại cổ phần: BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, MB, MaritimeBank, VPBank, VIB, SeAbank, SHB tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ theo các quy định hiện hành; thực hiện mua, bán nợ (theo quy định tại Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN).
Cụ thể, để giải bài toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100.000 tỷ đồng.
Mục đích của giải pháp này nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại cũng như của doanh nghiệp và nhờ đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo văn bản 2871, nếu tổ chức tín dụng có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ/bên mua nợ thì tổng hợp báo cáo cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước .
“Như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra làm đầu mối giúp cho cung - cầu có thể gặp nhau thuận lợi hơn” - một chuyên gia bình luận. Song, một câu hỏi đặt ra, nếu không có ai mua các khoản nợ trên, liệu Ngân hàng Nhà nước có đứng ra mua không?
Một số ý kiến cho rằng, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ mua cáckhoản nợ xấu đó và sẽ sở hữu một phần vốn điều lệ, cổ phần của các ngân hàng thương mại này. Đây là việc làm cần thiết, bởi theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để “đóng gói” các khoản nợ xấu thì cần một công ty có uy tín cao mới tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bỏ vốn vào đây.
“Mà thời điểm này thì rất khó tìm được những đơn vị như vậy” - ông Hiếu nói.
Bình luận vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần các tổ chức tín dụng là cách mà nhiều ngân hàng trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc thực hiện khi xử lý nợ xấu. Với cách làm này, có thể hiểu là Ngân hàng Nhà nước mua lại nợ xấu nhưng cũng có thể coi là bơm vốn cứu ngân hàng nhỏ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, nếu Ngân hàng Nhà nướcmua lại các khoản nợ xấu sẽ hỗ trợ các ngân hàng thương mại tập trung vào kinh doanh mà không phải đầu tư quá nhiều thời gian vào xử lý thu hồi nợ xấu như thời gian qua.
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Mỹ, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, nếu Ngân hàng Nhà nước tính đến phương án mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém cần cân nhắc 3 vấn đề: nguồn lực tài chính; hoàn thiện môi trường pháp lý về việc mua bán nợ; và phải tính toán cụ thể mức giá mua và dự kiến sau này thoái vốn như thế nào để đảm bảo không quá thiệt thòi cho vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc việc cử người tham gia giám sát, điều hành ở các ngân hàng thương mại.
Ông Lực còn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến phương án chứng khoán hóa nợ xấu, nếu trong thời gian tới đầu ra vẫn tiếp tục khó thì việc bán nợ cũng không phải đơn giản.
Tiền đâu mua nợ xấu ngân hàng?
Không nên thành lập công ty mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước
Bởi vì, dù thế nào đó cũng sẽ là công ty Nhà nước. Bản thân khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang cơ cấu lại, do vậy, có thêm doanh nghiệp Nhà nước với quy mô lớn như vậy cũng không thích hợp. Tôi cho rằng đây chỉ là nhiệm vụ trong ngắn và trung hạn để xử lý dứt điểm nợ xấu, vì vậy, chỉ nên là chương trình xử lý nợ với sự tham gia của Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cùng doanh nghiệp.
Nếu thành lập công ty, khi quá trình xử lý nợ kết thúc thì phải giải thể công ty đó. Việc giải thể công ty Nhà nước chắc chắn sẽ phức tạp hơn, còn nếu chỉ là chương trình có sự phối hợp giữa các bên thì sẽ tự động kết thúc khi hoàn thành mục tiêu đề ra.
TS Vũ Đình Ánh |
Một câu hỏi cơ bản được đặt ra: nguồn vốn sẽ lấy ở đâu khi quy mô mua lại có thể lên tới 100.000 tỷ đồng?
Chuyên gia Fiachra Mac Cana, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) dự tính: “Chúng tôi cho rằng Chính phủ nhiều khả năng sẽ không đưa một khoản vốn lớn như trên vào công ty mua bán nợ dưới dạng vốn chủ sở hữu; mà nhiều khả năng lượng vốn chủ sở hữu sẽ ít hơn nhiều con số 100.000 tỷ đồng và công ty mua bán nợ sẽ huy động vốn dài hạn (có thể thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 - 10 năm) để huy động đủ số vốn 100.000 tỷ đồng”.
Nếu vậy, có 2 câu hỏi khác được đặt ra:
Một là, ai sẽ là người mua trái phiếu dài hạn do công ty mua bán nợ phát hành và với lãi suất là bao nhiêu?
Hai là, công ty mua bán nợ sẽ dựa vào phương pháp định giá nào khi mua nợ xấu từ các ngân hàng và quy trình định giá nợ xấu sẽ được thực hiện như thế nào?
Ở câu hỏi thứ nhất, theo chuyên gia Fiachra Mac Cana, trái phiếu do công ty mua bán nợ phát hành sẽ được phát hành cho mọi đối tượng (cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ là người mua cuối cùng.
Khả năng lớn là chính Ngân hàng Nhà nước sẽ mua chủ yếu trái phiếu do công ty mua bán nợ phát hành.
Ở câu hỏi thứ hai, ông Fiachra Mac Cana cho rằng “hơi khó để tìm lời giải đáp”. Giả sử giá trị tài sản thế chấp của các khoản nợ đã giảm mạnh (giá bất động sản đã giảm khoảng 30 - 40% từ đỉnh, khoảng hơn 60% tài sản thế chấp các khoản vay ngân hàng hiện liên quan đến bất động sản) thì có khả năng công ty mua bán nợ sẽ mua lại nợ với giá thấp hơn đáng kể so với mệnh giá các khoản nợ.
“Nếu mua các khoản nợ này ở giá quá cao so với giá trị thực sự của khoản nợ thì công ty mua bán nợ sẽ chịu lỗ ngay lập tức. Còn nếu công ty mua bán nợ mua các khoản nợ với giá quá thấp thì các ngân hàng sẽ phải ghi nhận chi phí dự phòng đáng kể, theo đó làm giảm vốn chủ sở hữu của các ngân hàng bán nợ”, chuyên gia Fiachra Mac Cana phân tích thêm.
TS Nguyễn Trí Hiếu lấy dẫn chứng, ở Mỹ vào năm 2008 Chính phủ đã mua một lượng lớn cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng nhằm giúp ngân hàng có một số vốn vượt qua khó khăn, nhưng không cử người tham gia điều hành ngân hàng, mà coi đây là một khoản đầu tư dài hạn. Chỉ sau 2 - 3 năm, khi các ngân hàng sử dụng hiệu quả số vốn trên, hoạt động tốt lên, Chính phủ Mỹ đã bán lại số cổ phiếu trên với mức giá cao hơn.
Cách làm này như một mũi tên trúng 2 đích, nhưng chắc chắn tạo gánh nặng cho tài chính quốc gia.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ phải lên phương án kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp, thậm chí có thể lấy nguồn tài chính của nước ngoài để có nguồn kinh phí xử lý vấn đề này.
Có chuyên gia tính toán chi phí xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể chiếm 5-10% GDP.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, tỷ lệ này có thể thấp so với các nước trên thế giới khi xử lý khủng hoảng ngân hàng, nhưng thời điểm này, mức chi phí trên đối với Việt Nam hoàn toàn không đơn giản.
Bởi ngay cả khi bán nợ thành công thì vốn chủ sở hữu của các ngân hàng chắc chắn sẽ bị sụt giảm, điều đó đồng nghĩa hoạt động ngân hàng có thể bị thu hẹp lại. Do đó, các ngân hàng rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh