Thị trường

Xử lý nợ xấu: Kỳ vọng từ đột phá chính sách

NHNN tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Xử lý nợ xấu là một vấn đề phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém, cần phải có những giải pháp đột phá, khả thi mới có thể xử lý hiệu quả

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống NH đặt ra từ nay đến hết năm 2014 và cả năm 2015 là tiếp tục xử lý nợ xấu, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, trước khi VAMC được thành lập, ngành NH đã chủ động sử dụng, phát huy nội lực để triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như: cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; sử dụng dự phòng rủi ro (DPRR) để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập DPRR...

 
Điều mà các chuyên gia đánh giá cao trong quá trình xử lý nợ xấu đó là tư duy của các NHTM đã thay đổi. Nếu như trước đây, các TCTD thường giấu nợ xấu để giảm trích lập DPRR và có thêm nguồn tiền để chia cổ tức, chia lợi nhuận… thì đến thời điểm này, các TCTD rất tích cực trích lập DPRR. Trong 3 năm vừa qua, trung bình mỗi năm trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu.
 
Đặc biệt, phần lớn các TCTD đã không chia cổ tức mà dành nguồn tiền này để dự phòng vốn điều lệ, nâng cao thêm năng lực tài chính của các TCTD. Nếu về tính con số tuyệt đối, trong 3 năm qua hệ thống NH đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Loại trừ 86.000 tỷ đồng được xử lý qua VAMC thì giá trị nợ xấu còn lại đã được xử lý từ nguồn trích dự phòng của các TCTD. Đến hết tháng 7/2014, con số dự phòng mà các TCTD đã trích lập đạt tới 78.000 tỷ đồng và đây là “của để dành” để các TCTD tiếp tục xử lý thêm nợ xấu từ nay đến cuối năm.
 
TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhận xét: các giải pháp xử lý nợ xấu của cả hệ thống NH đạt được kết quả ban đầu, nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Theo báo cáo của các TCTD, đến tháng 7/2014 tỷ lệ nợ xấu là 4,11%, có cao hơn so với mức khoảng 3,9% của cuối năm 2013. Nhưng tại thời điểm đó, theo Cơ quan Thanh tra, giám sát (NHNN) nợ xấu là khoảng 8%. Sở dĩ có con số “vênh” như trên là do NHNN cộng thêm khoảng 157.000 tỷ đồng nợ được các TCTD cơ cấu lại nhưng tiềm ẩn khả năng chuyển thành nợ xấu.
 
Nguyên nhân chính nợ xấu lại tiếp tục phát sinh do nợ của DN tác động lây lan dây chuyền và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi những DN vướng nợ chưa có khả năng phục hồi. Do đó, một khi kinh tế trì trệ thì nợ xấu không thể giải quyết nhanh được. “Kinh tế trì trệ với nợ xấu có mối quan hệ nhân quả, cái này chưa tốt sẽ kéo cái kia xấu theo” - ông Lịch lý giải.
 
Đến thời điểm này, vị chuyên gia này khẳng định nợ xấu không chỉ là vấn đề của riêng ngành NH mà cả nền kinh tế. Sự phối hợp giữa các ngành để xử lý tổng thể về thị trường trong tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Và ông Lịch cũng đồng tình với nhận xét của các chuyên gia rằng, thời gian qua, kết quả đạt được về tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu chủ yếu do những nỗ lực và sự chủ động của ngành NH.
 
Xử lý nợ xấu là một vấn đề rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém, cần phải có những giải pháp đột phá, khả thi mới có thể xử lý hiệu quả, triệt để. Vì thế, ông Lịch cho biết đã gửi đề xuất hệ thống giải pháp xử lý nợ xấu lên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, NHNN.
 
Cụ thể, theo ông Lịch cần có sự can thiệp của Quốc hội hoàn thiện khuôn khổ pháp lý một số luật liên quan trực tiếp đến các đối tượng tham gia quá trình xử lý nợ xấu như Luật Đất đai, Nhà ở Kinh doanh bất động sản. Cơ chế phối hợp trung ương - địa phương cũng là vấn đề cần phải được cải thiện trong thời gian tới. Từ mô hình kết nối NH – DN mà UBND các tỉnh; thành phối hợp với NHNN trên địa bàn thực hiện trong hơn 1 năm qua đã giải quyết kịp thời khó khăn tín dụng cho DN, cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương rất quan trọng.
 
Vậy nên, vị chuyên gia này đề nghị chính quyền các địa phương cần chủ động và tích cực phối hợp với NHNN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường bất động sản, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý… nhằm tạo môi trường thuận lợi cho xử lý nợ xấu của TCTD và hoạt động của VAMC.
 
Để có thể đưa nợ xấu toàn hệ thống về mức 6% như kỳ vọng, lãnh đạo một NH nhận định, không còn phương pháp thần kỳ nào giúp giảm nợ xấu nhanh bằng bán nợ xấu cho VAMC. Theo vị này, thời điểm này, bên cạnh việc đôn đốc khách hàng trả nợ thì bán nợ cho VAMC là cách tốt nhất giúp NH giải quyết nhanh bài toán nợ xấu ra khỏi hệ thống NH. Vị này tiết lộ thêm, cơ quan quản lý VAMC đang đề xuất chỉ nên yêu cầu các NH trích lập 10% DPRR khi bán nợ cho VAMC thay vì 20% như hiện nay.
 
Thống đốc NHNN cũng hy vọng bên cạnh nỗ lực của các NH cùng với sự tích cực vào cuộc của VAMC, nợ xấu của TCTD sẽ được xử lý một bước căn cơ. Song, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, để đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu, ngành NH phải có thêm nhiều cơ chế mới, tạo thêm năng lực pháp lý cũng như năng lực tài chính.
 
NHNN tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo