Xử lý sở hữu chéo: Phải minh bạch thông tin về quan hệ cổ đông
Sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng vẫn đang là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế hiện nay. Để xử lý được vấn đề này, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), trước hết luật phải rõ để khi thanh tra, kiểm tra phát hiện được ngân hàng nào vi phạm, ngân hàng nào không và quan trọng là phải kiểm tra được nhóm cổ đông để đảm bảo tính minh bạch.
Xử lý sở hữu chéo, ngân hàng phải niêm yết
- Ông đánh giá như thế nào về việc xử lý sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua?
Ông Trần Hoàng Ngân: Theo đánh giá của tôi, những cặp sở hữu chéo vừa qua đã được xử lý rất nhiều, chứ không phải không xử lý. Có nhiều ngân hàng đã được hợp nhất, sáp nhập và loại bỏ ra khỏi hệ thống 7 ngân hàng trong 40 ngân hàng. Hiện có 2 cặp đã có chủ trương xử lý như Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank); Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank) - Ngân hàng Phát triển Mê Kông (Mekongbank).
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện thể chế để xử lý những "nút thắt" trong sở hữu chéo, những lũng đoạn trong sở hữu chéo, tuy nhiên không phải tất cả sở hữu chéo đều là tiêu cực.
Trên thực tế, xử lý sở hữu chéo không phải là vấn đề đơn giản, không phải chéo đơn thuần mà chéo thắt lại với nhau; thậm chí, còn thắt đúng luật. Cho nên, chúng ta phải hoàn thiện thể chế để quản lý được nhóm cổ đông, những người có liên quan trong ngân hàng.
- Vậy theo ông, để xử lý “nút thắt” sở hữu chéo tiêu cực, đâu là giải pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh hiện nay?
Ông Trần Hoàng Ngân: Để xử lý được sở hữu chéo, trước hết luật phải rõ để khi thanh tra, kiểm tra phát hiện được cái nào vi phạm, cái nào không, quan trọng phải kiểm tra được nhóm cổ đông, đảm bảo tính minh bạch. Thời gian qua, thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hiện ra được những sở hữu chéo tiêu cực và đang tìm giải pháp xử lý.
Xin nhắc lại rằng, không phải sở hữu chéo nào cũng cần triệt tiêu, vì bản chất sở hữu chéo rất bình thường. Ví dụ ngân hàng nước ngoài mua cổ phần ngân hàng Việt Nam, đó chính là sở hữu chéo. Đây là những sở hữu chéo bình thường.
Còn những cái sở hữu chéo tiêu cực là làm cho vốn điều lệ của ngân hàng nở phồng lên nhưng lại không phải là vốn thực, đó là tiêu cực. Hay là những khoản cho vay qua lại với nhau để che giấu khoản nợ thực, đó là tiêu cực cần phải xử lý.
Hiện Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã biết những cặp sở hữu chéo và chỉ xử lý những sở hữu chéo có tính tiêu cực. Để quản lý được sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện các lĩnh vực pháp lý, cụ thể hóa Luật của các tổ chức tín dụng về vấn đề quản lý các cổ đông; yêu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán và minh bạch thông tin về các quan hệ cổ đông của ngân hàng…
Thoái vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng chậm
- Ông có cho rằng, việc thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước khỏi lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra khá chậm?
Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng là chậm. Nghị định cho doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn dưới mệnh giá mới ban hành cách đây 3 tháng, hơn nữa, việc thoái vốn phải tùy theo thị trường và thoái lúc nào, chứ không phải là thoái cho bằng được. Có nghĩa, việc chuyển dịch phải có lộ trình, không thể muốn là được ngay.
- Trong giải pháp thoái vốn khỏi ngân hàng của các doanh nghiệp Nhà nước đang có 3 sự lựa chọn nhưng việc các doanh nghiệp Nhà nước muốn tìm kênh để bán được giá cao nhất có làm cho quá trình thoái vốn bị chậm lại?
Ông Trần Hoàng Ngân: Cái này thì đúng vì họ sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, mình cũng phải đặt trong bối cảnh những năm trước đây, nền kinh tế và ngành ngân hàng “đang bay”, những doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào thời điểm đó là đúng chứ không sai. Lúc đó Nhà nước có cản đâu, thậm chí còn muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước. Lúc thị trường đi xuống, giá cũng rớt xuống và bán không ai mua. Do vậy, việc thoái vốn cần phải có thời gian, nhưng quan trọng là phải làm rõ minh bạch việc thoái vốn đó và làm thất thoát vốn, ai đúng ai sai thì phải làm rõ.
Điều này gắn với Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước sắp sửa thông qua tại Quốc hội lần này. Điều này rất quan trọng, quyết định vai trò của người đại diện vốn, vai trò của kiểm soát, cơ quan quản lý, cơ quan đại diện vốn nhà nước.
Vấn đề tôi quan tâm nhất hiện nay là vốn doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu là hơn 1 triệu tỷ đồng, do đó, lợi nhuận đóng góp vào ngân sách ít nhất cũng phải 500 nghìn tỷ đồng, thấp nhất cũng phải 200 - 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, cổ tức của nhà nước hầu như không thu, mới thu thời gian gần đây, năm ngoái mới được 6.000 - 7.000 tỷ đồng.
Vì vậy, luật này cần làm sâu làm rõ trách nhiệm để doanh nghiệp Nhà nước đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnamplus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Cột tin quảng cáo