Xử lý tài sản đảm bảo quá phức tạp
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) năm 2015 trên địa bàn TP.HCM ngày 26-1, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết năm qua TP.HCM đã đạt các kết quả lớn, trong đó huy động vốn và cho vay vốn trên địa bàn đã đạt triệu tỉ đồng. Các NH cũng đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đạt tăng trưởng tín dụng trên 12% là nỗ lực không ngừng của ngành NH. Ngoài ra, thị trường tiền tệ và hoạt động NH tại TP.HCM khá ổn định, dịch vụ NH tiếp tục phát triển, nâng cao. Nguồn vốn đi vào lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh là chính.
Áp lực đưa nợ xấu về dưới 3%
Dù rất nhiều kết quả đã đạt được, song ông Lâm cũng thừa nhận nợ xấu vẫn là tâm điểm xử lý của cả hệ thống NH trong năm 2015. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP tăng khá cao trong năm 2014 (từ 4,69% (cuối năm 2013) lên khoảng 5,3%).
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN, con số nợ xấu bình quân hơn 5% chưa đáng lo ngại vì chưa phản ánh hết thực trạng về nợ xấu. Nếu tính riêng thì nhiều NH con số nợ xấu chỉ trên 1% mà thôi. “Tuy nhiên, nhiệm vụ của năm 2015 đưa nợ xấu toàn hệ thống xuống 3% vẫn là một áp lực lớn” - ông Tiến bày tỏ.
Có hai nguyên nhân làm tăng nợ xấu, theo ông Lâm thứ nhất do thực hiện Thông tư 02/2013 và Thông tư sửa đổi 09/2014 của NHNN về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế nên con số tăng cao. Kế đó là việc đánh giá nợ xấu minh bạch và rõ ràng hơn, đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có các vụ án lớn phát sinh liên quan đến hoạt động tín dụng khiến nợ xấu tăng cao.
Phần lớn nợ xấu trên địa bàn tăng trong thời gian gần đây do phát sinh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng này. Và số tăng này tập trung chủ yếu ở hai chi nhánh của hai NH là Agribank (Chi nhánh Mạc Thị Bưởi) và NH Xây dựng.
Ông Lâm cho rằng nợ xấu phát sinh và tồn tại có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống NH và nền kinh tế. Ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NH, doanh nghiệp và đặc biệt đến quá trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
Có khoảng 100 chi nhánh (trong hơn 200 chi nhánh) có tỉ lệ nợ xấu ở mức cao.
Cần được hỗ trợ xử lý tài sản đảm bảo
Mục tiêu tăng tín dụng của các NH trên địa bàn TP.HCM là 13% năm 2015. Nghĩa là dự kiến tổng nguồn vốn cho vay của các NH TP.HCM đạt 13%, tức 130.000 tỉ đồng. Nhưng vấn đề là cho vay ra phải đảm bảo không tăng nợ xấu khiến các NH rất lo lắng vì hiện việc xử lý nợ xấu quá phức tạp.
Ông Lâm phân tích việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ tiếp tục là khó khăn, vướng mắc do nhiều khách hàng không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, chây ỳ. Bên cạnh đó, thủ tục phát mại, đấu giá tài sản; thi hành án còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí của NH để thu hồi nợ. Đối mặt với nhiều áp lực như nợ xấu phát sinh và ở mức cao, đặc biệt việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ tiếp tục là khó khăn trong năm nay của NH.
Rất nhiều NH có mặt tại hội nghị đề nghị cần gỡ vướng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.
Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện NH NN&PTNT (Agribank) tại TP.HCM, kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan pháp luật ban hành thông tư liên ngành hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thông qua công tác thi hành án. Bộ Công an, NHNN ban hành thông tư liên tịch để xử lý tài sản đảm bảo.
Vẫn là vấn đề tài sản đảm bảo, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), kiến nghị TP.HCM nên quy hoạch lại những dự án bất động sản đã quá lâu để phù hợp với giá thị trường hiện nay. Từ đó, NH hợp lý hóa giá cho phù hợp trong việc thẩm định tài sản vì giá bất động sản đang giảm mạnh so với trước đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển