Xử lý vấn đề đất đai phải công khai, minh bạch
Hàng chục ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường cũng như nội dung báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng như báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, chính sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, thiếu công khai minh bạch là nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn biến phức tạp.
Báo cáo giám sát cũng đã chỉ rõ, đối với một số dự án việc bồi thường, hỗ trợ còn chưa kịp thời, thiếu công bằng, thiếu công khai, dân chủ; công tác tái định cư, giải quyết các chính sách cho người dân có đất bị thu hồi làm chưa tốt, chưa công bằng, chưa quan tâm giải quyết các lợi ích chính đáng của người dân.
Một số dự án phải kéo dài qua nhiều năm nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không được giải quyết dứt điểm tại thời điểm thu hồi đất dẫn đến việc công dân có nhiều thắc mắc, khiếu kiện những vấn đề có liên quan đến việc áp dụng các chính sách cho từng thời kỳ.
Có trường hợp khiếu kiện vì người dân bức xúc cho rằng quy hoạch, mục đích sử dụng đất không rõ ràng, xâm phạm lợi ích của người bị thu hồi đất; một số dự án sau khi giải tỏa bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nhất là những vùng đất trồng cây có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả cao.
Cũng theo Báo cáo, còn có tình trạng giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái quy định của pháp luật. Một số cơ quan trả lời những kiến nghị, hướng dẫn, giải thích thắc mắc của nhân dân không cặn kẽ, rõ ràng, không đúng trọng tâm. Công tác lập và quản lý hồ sơ địa chính thiếu chặt chẽ đối với từng thửa đất xảy ra ở không ít địa phương.
Báo cáo giám sát cũng nhìn nhận, còn có tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, giải quyết hồ sơ chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở năng lực yếu, hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; có một bộ phận sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận trong lập phương án bồi thường về đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các chương trình, dự án của nhà nước để trục lợi, chia chác đất đai, bao che đối với cán bộ sai phạm làm cho các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong xã hội.
Các cơ quan có thẩm quyền chưa chú trọng công tác tiếp dân, công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo chuyển lòng vòng qua nhiều nơi gây bức xúc cho người dân.
Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận, bên cạnh hạn chế của hệ thống pháp luật, nhận thức của bộ phận người sử dụng đất còn hạn chế thì nguyên nhân quan trọng là việc tổ chức thực hiện có vấn đề nên dẫn tới khiếu kiện phức tạp, trong đó có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: “Đây là nguyên nhân cơ bản, quan trọng và cần tập trung giải quyết. Nếu nếu xử lý được vấn đề này thì tình hình sẽ khác”.
Trên cơ sở phân tích những tồn tại, yếu kém, các đại biểu cũng cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp được đề cập trong Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo đó, về quy trình ban hành quyết định hành chính Nhà nước, Báo cáo cho rằng cần nâng cao chất lượng ban hành, hiệu lực, hiệu quả của các quyết định hành chính. Thực hiện ban hành các quyết định hành chính theo đúng quy trình, thủ tục; nêu rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành và đối tượng chịu tác động bởi quyết định hành chính.
Quan trọng hơn, việc tổ chức thực hiện các quyết định hành chính cần tuân thủ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch. Công tác chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện cần chủ động; thường xuyên giám sát tình hình tổ chức thực hiện cũng như tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức trong việc tổ chức thực hiện các quyết định hành chính. Xử lý kiên quyết hiện tượng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Báo cáo cũng chỉ rõ, định kỳ các cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính cần rà soát, tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc đối với các quyết định hành chính về đất đai đã ban hành. Trong quyết định hành chính cần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể phải triển khai, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của các quyết định hành chính. Giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và triển khai thực hiện của lãnh đạo các sở, ban, ngành đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng được mục tiêu đề ra./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024