Pháp luật

Xử phúc thẩm Phạm Công Danh: Bảo vệ được "dựng" làm Giám đốc

Phiên xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ngày 5/1 bước vào phần thẩm vấn hàng loạt bảo vệ được "dựng" làm Giám đốc.

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ngày hôm nay bước vào phần xét hỏi liên quan đến tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến tội danh này, là việc Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm rút 5.000 tỷ đồng thông qua việc lập khống hồ sơ kinh doanh vay tiền của 14 công ty, theo tin tức trên báo VOV. 

Bị cáo Phạm Công Danh

Trong 14 pháp nhân liên quan thì có 12 công ty được Phạm Công Danh nhờ thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên giám đốc. Do trừ tài sản đảm bảo là Sân vận động Chi Lăng và một số bất động sản liên quan tại Đà Nẵng nên số tiền thiệt hại của hành vi này hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo nội dung vụ án, Ngân hàng VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu. Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB và đã chỉ đạo HĐQT.

Dưới sự chèo lái của Phạm Công Danh, ông ta đã chỉ đạo thuộc cấp tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ đề án khống nâng cấp hệ thống Corebanking, hồ sơ thuê hai mặt bằng tại Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành, ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh qua Quỹ Lộc Việt… để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Cường – GĐ Công ty Cường Tín lên trước vành móng ngựa. Trình bày kháng cáo, bị cáo xin giảm nhẹ để được hưởng án treo. Về tình tiết xin giảm nhẹ, bị cáo cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trước khi khởi tố, Cường là làm công việc phụ hồ. Bị cáo cho hay, ông ta chưa bao giờ ngồi trên “ghế” GĐ Công ty Cường Tín. Việc ký các hợp đồng liên quan đến công ty thì người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi thì bị cáo ký.

 

Về lý do được làm giám đốc, do làm phụ hồ, sức khỏe kém năm 2011 được người giới thiệu một công việc ổn định là làm “giám đốc”.  Việc ký vào các giấy tờ liên quan tại Công ty Cường Tín, bị cáo cho biết khi cơ quan điều tra phân tích thì mới biết là sai. Trước đó Nguyễn Văn Cường bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay.

Bị cáo Nguyễn Tiến Hùng – cựu cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn, liên quan đến việc thẩm định hồ sơ, phương án kinh doanh và cho Công ty Cường Tín. Bị cáo cho biết, việc thẩm định dựa trên hồ sơ. Nhận hành vi, bị cáo cho biết mình thời điểm đó nghiệp vụ kém.Hùng bị tòa cấp sơ thẩm phạt 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay…

Bị cáo Cao Phước Nhàn – GĐ Công ty Phước Đại, cho biết được Tập đoàn Thiên Thanh nhờ làm giám đốc. Và người nhờ đứng làm giám đốc là bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh. 

Tháng 6/2012, Nhàn làm giám đốc. Công ty nhân sự duy nhất là giám đốc Cao Phước Nhàn. Công ty không hoạt động, không kinh doanh. Việc ký tên và hồ sơ vay tiền là do Tập đoàn Thiên Thanh gọi giám đốc lên ký tên. Nhàn theo kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh lên VNCB ký tên vào hồ sơ vay.

Thừa nhận hành vi phạm tội, GĐ Công ty Phước Đại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không hiểu biết pháp luật, xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ. Cao Phước Nhàn bị phạt 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay.

 

Trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Thanh Tùng – GĐ Công ty Thanh Quang, cho biết trước khi làm giám đốc là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo làm giám đốc từ tháng 6/2012. 

Công ty chỉ có Tùng là nhân sự duy nhất và không hoạt động kinh doanh. Việc ký hợp đồng với khoản tiền bao nhiêu, Tùng không biết. Các thủ tục vay đều do Tập đoàn Thiên Thanh làm. 

Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo. Trần Thanh Tùng bị tòa sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay.

Trước đó, ngày 4/1, phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư. Tại tòa, các bên tiếp tục đưa ra nhiều lời khai mâu thuẫn, một số tình tiết trong vụ án được các luật sư tập trung làm rõ, báo Công an Nhân dân đưa tin.

Là người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Nguyễn Văn Trung đã hỏi đại diện của bà Trần Ngọc Bích. Theo đó, tại sao vào ngày 21/8/2013, sau khi 3.100 tỷ đồng được chuyển từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh, bị cáo Danh lại chuyển 3.160 tỷ đồng sang tài khoản của ông Thanh rồi ông Thanh lại chuyển đến VNCB để tất toán các khoản vay vào ngày 21/6/2013 của nhóm bà Bích?.

 

"Tôi khẳng định bà Bích chỉ cho Phạm Thị Trang mượn tiền chứ không cho ông Danh mượn tiền, không có việc bà Bích chuyển tiền cho ông Danh để tất toán các khoản nợ ngày 21/6", người đại diện cho bà Bích khẳng định.

Vẫn liên quan đến việc 5.190 tỷ đồng được chuyển ra khỏi tài khoản, bà Bích có biết hay không, bị cáo Hoàng Đình Quyết tái khẳng định bà Bích biết sự việc này.

 Không đồng tình, trong phần xét hỏi của mình, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Ngọc Bích đặt câu hỏi "Vậy trong quá trình giao dịch, bà Bích và các cá nhân có đăng ký dịch vụ SMS banking để nhận thông báo biến động tài khoản và VNCB có thu phí dịch vụ không?".

“Nhất cử nhất động, một đồng phát sinh trong tài khoản bà Bích đều biết và được cập nhật thông qua ông Vũ Anh Tuấn. Nhóm bà Bích tiết kiệm 7.000 đồng/tháng nên không đăng ký”, Hoàng Đình Quyết nói.

Luật sư Uyên cũng hỏi bị cáo Phạm Công Danh, theo bị cáo thì số tiền cụ thể bị cáo đã chi lãi ngoài là bao nhiêu? Ông Danh không trả lời câu hỏi này vì cho rằng nó nằm ngoài phạm vi của phiên tòa phúc thẩm.

 

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo VOV, Công an Nhân dân)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo