Pháp luật

Xử phúc thẩm Phạm Công Danh: Nhiều giám đốc "hờ" xin giảm án

Trong hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, HĐXX cho biết đã làm rõ các hành vi của các bị cáo. Nhiều giám đốc "hờ" xin giảm án tại tòa.

Trong 14 công ty thì có đến 12 công ty có giám đốc là các nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh đã dùng tài sản đảm bảo là Sân vận động Chi Lăng và một số bất động sản tại Đà Nẵng để vay tiền của VNCB. Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu các giám đốc của các công ty trình bày việc vay vốn tại VNCB, theo tin tức trên Bizlive.vn. 

Bị cáo Nguyễn Văn Cường, Giám đốc công ty Cường Tín (tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay): Bị cáo xin giảm nhẹ để được hưởng án treo, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Đinh Tuấn/Vietnamnet.

Trước khi làm giám đốc bị cáo làm phụ hồ và được giới thiệu làm giám đốc nhưng chưa bao giờ ngồi trên “ghế” giám đốc công ty Cường Tín. Việc ký các hợp đồng liên quan đến công ty thì người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi thì bị cáo ký, khi cơ quan điều tra phân tích thì mới biết là sai.

Bị cáo Cao Phước Nhàn, nguyên giám đốc công ty Phước Đại (tòa sơ thẩm tuyên án 4 năm tù): Bảo vệ tập đoàn Thiên Thanh nhờ bị cáo làm giám đốc từ tháng 6/2012, công ty không hoạt động, không kinh doanh. 

Việc ký tên và hồ sơ vay tiền là do kế toán tập đoàn Thiên Thanh gọi lên ký tên. Bị cáo nhận hành vi phạm tội, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không hiểu biết pháp luật, xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ.

Liên quan Công ty Phước Đại, bị cáo Nguyễn Tiến Hùng đã lập hồ sơ cho vay 450 tỷ đồng. Việc thẩm định hồ sơ, phương án cho vay… tương tự như Công ty Cường Tín.

Bị cáo Trần Thanh Tùng, nguyên Giám đốc công ty Thanh Quang (tòa sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay): Trước khi làm giám đốc bị cáo là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh, làm giám đốc từ tháng 6/2012. Công ty chỉ có bị cáo là nhân sự duy nhất, không hoạt động kinh doanh. 

 

Việc ký hợp đồng với khoản tiền bao nhiêu, bị cáo không biết. Các thủ tục vay đều do tập đoàn Thiên Thanh làm. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo.

Phiên tòa chiều mở đầu bằng việc HĐXX thẩm vấn Bạch Quốc Hào – cựu PGĐ Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB. Hào kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, báo VOV đưa tin. 

Cựu PGĐ bị tuyên phạt 7 năm tù cho hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về cơ sở thẩm định, Bạch Quốc Hào cho hay là do nhân viên của công ty lấy số liệu trên mạng và điện thoại kiểm chứng. Công ty có tham khảo chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính nên thấy phù hợp. Việc cơ quan tố tụng định giá lại có giá trị chênh lệch, Bạch Quốc Hào vẫn cho rằng mình làm đúng phương pháp.

“Đối với giá của công ty Tài chính là giả định”, chủ tọa đặt câu hỏi. Cựu PGĐ Bạch Quốc Hào cho rằng, có cho phép sử dụng thông số đầu vào giả định. Ngoài ra ông ta còn cho biết, thời điểm đó, có hỏi khách hàng và được biết dự án đã được giải phóng mặt bằng, đã được cấp sổ đỏ….

 

Về lý do kháng cáo, cựu PGĐ trình bày là không nhận chỉ đạo và không chỉ đạo nhân viên nâng khống giá trị như án sơ thẩm; Chứng thư định giá là độc lập với quy chế cho vay của ngân hàng.

Đến lượt Phạm Công Danh trình bày kháng cáo. Danh đề nghị xem xét việc kết luận của tòa sơ thẩm cho rằng mình là người chỉ đạo trong các hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cựu Chủ tịch VNCB phủ nhận việc chỉ đạo “nâng khống” tài sản thế chấp.Đối với các công ty, ông ta cho rằng mình không nhờ đứng tên giám đốc mà thời điểm đó đang tuyển dụng người quản lý công ty. Nhận thức của ông ta là không vi phạm pháp luật.

Phạm công Danh bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục thẩm vấn Phạm Công Danh, ông ta cho rằng muốn trình bày những gì mà án sơ thẩm chưa xem xét. 

Về mức án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Phạm Công Danh cho rằng cấp sơ thẩm tuyên phạt không đúng.  Quá trình thẩm vấn, HĐXX khẳng định, số tiền 5.000 tỷ đồng trong hành vi này được đi về Tập đoàn Thiên Thanh để bị cáo trả nợ.

 

Trong hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, HĐXX cho biết đã làm rõ các hành vi của các bị cáo. Doãn Quốc Long kháng cáo kêu oan và Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo VOV, Bizlive)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo