Xuân Mậu Thân 1968 - mùa xuân đặc biệt
Văn kiện của Đảng trong thời kỳ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập 29 có Nghị quyết 14, ghi: “Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. So với mục tiêu chính trị và quân sự có hạn của chúng ở miền Nam thì những cố gắng chiến tranh của Mỹ cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) ở Việt Nam đã tới đỉnh cao… chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược lẫn chiến thuật và thế lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết… Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.
Khi ấy lần đầu tiên Sài Gòn-Gia Định hợp nhất với một số địa bàn các tỉnh xung quanh hình thành “khu trọng điểm”; cũng lần đầu tiên chiến trường khu trọng điểm ấy chia thành 6 phân khu, tổ chức hai Bộ Tư lệnh tiền phương: Bộ Tư lệnh tiền phương 1 (Bộ chỉ huy tiền phương Bắc) và Bộ Tư lệnh tiền phương 2 (Bộ chỉ huy tiền phương Nam).
Trong khi đó các chiến trường khác từ Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và ở tất cả các tỉnh thành miền Nam đều gấp rút chuẩn bị, lựa chọn phương án tác chiến, áp sát các mục tiêu. Quân và dân Sài Gòn và toàn miền Nam âm thầm và ráo riết chuẩn bị cho một trận đánh lớn có tính chất quyết định.
Tướng Westmoreland dự báo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15/1/1968 “khả năng là 60 đến 40% đối phương sẽ đánh trước Tết”; tướng Davidson lại thấy “khả năng là 40-60% đối phương sẽ đánh sau Tết”; nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra ngoài các dự kiến của Mỹ.
Đêm 29 rạng ngày 30/1/1968 (Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch mới ở miền Bắc), các chiến trường Khu V và Tây Nguyên nổ súng tổng tấn công. Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch cũ ở miền Nam), cuộc tổng công kích nổ ra ở trọng điểm Sài Gòn và toàn Nam Bộ.
Tại Sài Gòn, quân ta tiến công và đánh trúng vào hầu hết các cơ quan đầu não của đối phương, đặc biệt là đánh chiếm toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Phủ Tổng thống (Dinh Độc lập), Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất…
Đồng thời với tổng tiến công và nổi dậy ở trọng điểm Sài Gòn, các chiến trường Trị Thiên, Khu V, Trung Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ đồng loạt tiến công các vị trí địch khắp thành thị và nông thôn. Bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với lực lượng chính trị quần chúng ra sức tấn công và nổi dậy, phá vỡ hàng loạt hệ thống phòng thủ của địch, phá vỡ bộ máy chính quyền địch đến tận cơ sở.
Việc nhằm đô thị với trọng điểm Sài Gòn để tấn công là rất táo bạo, chưa từng có trong cuộc chiến tranh nhân dân.
Lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chế độ Sài Gòn bị tấn công. Hậu phương và hậu cứ chiến tranh của địch đã trở thành chiến trường, làm đảo lộn kế hoạch chiến lược quân sự của địch, đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự bị động.
Đặc biệt, việc quân và dân miền Nam giáng đòn bất ngờ vào cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và các thành thị… đã làm cho quân Mỹ-nguỵ hoang mang, dao động mạnh và buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự của chúng, buộc chúng phải xuống thang cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đó chính là tính chất đặc biệt của mùa xuân Mậu Thân 1968, mở đường cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến toàn thắng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc