Xuân này con không về
Vì dòng điện của Tổ quốc
Chúng tôi có mặt ở công trường xây dựng Thủy điện Lai Châu vào một ngày cuối năm. Âm thanh rộn rã của công trường vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc. Không khí lao động khẩn trương của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân như có sức nóng lan tỏa, xua đi cái lạnh buốt giá của mùa đông. Với những người thợ, vì tiến độ và chất lượng công trình, vì dòng điện của Tổ quốc, họ sẵn sàng làm việc xuyên Tết, đón Xuân trên công trường.
Đứng trên mặt đập thủy điện ở độ cao 303 m, gió rét như những sợi roi mảnh tê buốt. Ở vị trí này, tôi có thể quan sát toàn cảnh đại công trường, lại cũng có thể phóng tầm mắt ngắm sông Đà ở cả hai phía thượng lưu và hạ lưu. Đứng ngắm sông Đà, bỗng nhớ lại dịp được nghe Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê kể về cuộc tranh luận nảy lửa khi chọn phương án xây dựng bậc thang thủy điện trên sông Đà: Sơn La cao hay Sơn La thấp... Mọi quan điểm ý kiến được nêu đều có lý riêng, nhưng cuối cùng phương án xây dựng Thủy điện Sơn La thấp được chọn, sau nhiều cân nhắc. Và hôm nay đây, với phương án Sơn La thấp gồm 3 bậc thang Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu, chúng tôi mới có dịp được chứng kiến đại công trường Thủy điện Lai Châu nhộn nhịp đang ngày càng tiến gần hơn tới đích. Khi công trình này hoàn thành, mỗi năm có thể sản xuất được hơn 4,6 tỷ kWh. Khi ấy các nhà máy thủy điện trên sông Đà có thể đóng góp khoảng 25 tỷ kWh điện mỗi năm, nguồn năng lượng quý giá cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Ngay nơi tôi đứng là hàng trăm cán bộ, công nhân của Tổng Công ty xây dựng Sông Đà 5, Tổng Công ty lắp máy Lilama đang thi công mặt đập. Phía dưới, cả phần thượng lưu và hạ lưu, bên phải, bên trái nơi nào cũng tấp nập, rộn rã tiếng máy, tiếng người. Hàng chục chiếc cần cẩu khổng lồ, vươn cánh tay dài hỗ trợ sức người.
Trong Lễ phát động chiến dịch thi đua “126 ngày đêm vì mục tiêu hoàn thành tiến độ thi công bê tông đầm lăn (RCC) đập dâng vai phải công trình Thủy điện Lai Châu”, Công ty Cổ phần Sông Đà 5 dành 1 tỷ đồng, phần thưởng nhằm động viên cán bộ công nhân viên đoàn kết, năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Thời gian của đợt thi đua này bắt đầu từ ngày 10/12/2014 đến 15/04/2015. Mục tiêu là hoàn thành thi công bê tông đầm lăn với tổng khối lượng theo thiết kế hơn 472 nghìn m3, đạt cao độ 302,4 m vào ngày 15/4/2015.
Thi công hàng trăm nghìn m3 bê tông đầm lăn đồng nghĩa với việc phải đổ liên tục, không thể nghỉ đứt quãng. Theo mốc thời gian này, chưa kể các đơn vị thi công khác trên công trường, chắc chắn hơn 500 cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Sông Đà 5 sẽ đón Tết tại công trường, bên khối bê tông khổng lồ và cũng là hạng mục có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thành công trình!
Phát biểu tại lễ phát động thi đua, ông Phạm Hồng Phương - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu, Phó trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua liên kết trên công trường Thủy điện Lai Châu khẳng định: “Đợt thi đua này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là hạng mục xây dựng cuối cùng trên công trường Thủy điện Lai Châu, có ý nghĩa quan trọng để công trình đóng cống dẫn dòng vào tháng 6/2015 và phát điện tổ máy 1 vào tháng 12/2015”.
Ông Phương cho biết, tính đến nay nhiều hạng mục chính của công trình như tuyến năng lượng, công trình xả lũ, lắp đặt đường ống áp lực 3 tổ máy, buồng xoắn tổ máy 1 và 2 đã cơ bản hoàn thành. Sau khi ngăn sông Đà đợt 2, các nhà thầu đã đổ bê tông đầm lăn khu vực dưới tràn xả mặt và khu vực lỗ xả sâu, chuyển sang đổ bê tông đập vai trái, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị cơ điện các tổ máy...
Xuân này không về
Kế hoạch làm việc xuyên Tết, đón Xuân trên công trường được phổ biến tới anh em công nhân từ sớm, mọi người cũng đã sẵn sàng tinh thần “đón giao thừa trên công trường”. Chia sẻ với chúng tôi về gia đình, về công việc, anh Phạm Đức Long, thợ hàn của Đội Xây lắp 5.63 - Công ty Sông Đà 5 cho biết: “Em đã có vợ và con nhỏ ở Vũ Thư (Thái Bình). Vợ em lại đang có bầu cháu thứ hai mới được mấy tháng. Những ngày đầu lên đây xa gia đình cũng hơi buồn, nhưng rồi cũng quen. Không khí lao động trên công trường ai cũng hối hả, tất bật mình cũng cuốn vào nhịp sống ấy. Hết giờ làm, anh em lại tổ chức thể thao, văn nghệ, nên lúc nào cũng vui như Tết”.
Hỏi anh đã thông báo tin này cho người thân ở quê biết chưa, anh Long cười: “Vẫn còn sớm quá anh ạ! Từ nay đến trước Tết một tuần, em sẽ “lựa lời” thông báo để vợ con và gia đình thông cảm, chia sẻ với đặc thù công việc của mình”.
Với chàng trai chưa vợ Phạm Văn Cương, 26 tuổi, cán bộ kỹ thuật của Lilama, người lúc nào cũng hay tếu táo: “Mỗi công trình là một mối tình”. Chuyện phải làm xuyên Tết cũng chẳng có gì ghê gớm. Quả thực, có lên đây mới thấy “sức hấp dẫn” của công trường đối với những người trẻ ưa cống hiến, chinh phục như Cương là rất lớn. Sau những giờ lao động vất vả, những hoạt động thể thao như đá bóng, cầu lông, những buổi xem phim, những đêm văn nghệ tưng bừng làm cho “công trường rộn tiếng ca”, những cán bộ công nhân xa quê bỗng gắn bó như người một nhà.
Khác với khi Thủy điện Hòa Bình, sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô có ý nghĩa quyết định, công trình Thủy điện Sơn La và bây giờ là Thủy điện Lai Châu, chúng tôi đã gặp những người Việt trẻ năng động trên công trường, họ đang làm chủ công trình, ở tất cả những khâu trọng yếu nhất, những phần việc khó khăn nhất.
“Hạnh phúc luôn đến với những người đúng hẹn” - Dòng chữ ấy không còn là câu nói dành cho những cặp đôi đang độ hẹn hò.
Tết này, vào thời khắc đêm giao thừa, khi chào năm mới sum vầy bên người thân yêu, bạn đừng quên những người công nhân, kỹ sư trên công trường Thủy điện Lai Châu, vì dòng điện thiêng liêng của Tổ quốc, họ đang đón giao thừa trên công trường, trong ánh lửa hàn, tiếng xe, tiếng máy rền vang…
Đến nay Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành ngăn kênh dẫn dòng (ngăn sông Đà đợt 2) vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng. Dự kiến, đến tháng 6/2015, dự án sẽ đóng cống dẫn dòng và tích nước hồ chứa, đưa tổ máy số 1 phát điện vào tháng 12/2015 và hoàn thành bàn giao toàn bộ công trình nhà máy vào năm 2017.
Được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia khởi công ngày 5/1/2011 tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhà máy Thủy điện Lai Châu gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4.670,8 triệu kWh. Công trình có tổng mức đầu tư ước tính hơn 35.700 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản