Tin tức - Sự kiện

Xuất khẩu bền vững phải có chiến lược

Ông Nguyễn Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2013 ngày 11/4: Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
Nhiều dấu hiệu tích cực
 
Năm 2012, mặc dù đối mặt những khó khăn trong và ngoài nước nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu đã đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011 giúp cán cân thương mại của Việt Nam lần đầu tiên đạt thặng dư 780 triệu USD sau 20 năm.
 
Ba tháng đầu năm 2013, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có kết quả đáng khích lệ với kim ngạch đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường đều có mức tăng trưởng khá như Hoa Kỳ tăng 16,9%, EU tăng 32,2%, ASEAN tăng 29,5%. Như vậy, xuất khẩu trong quý I/2013 có nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và duy trì xuất siêu trong cán cân thương mại.
 
Tuy nhiên, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lại chủ yếu từ nhóm hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp FDI như dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh, máy quay phim... Trong khi một số mặt hàng chủ lực trong quý I đã có dấu hiệu chững lại, thậm chí còn giảm nhất là mặt hàng gạo, thủy sản.
 
 “Kim ngạch xuất khẩu của nước ta đang duy trì mức tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa thực sự bền vững.”- ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá.
 
Cần có chiến lược xuất khẩu bền vững
 
Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
 
Theo ông Đỗ Thắng Hải, phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ về sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như có chính sách đúng đắn, hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu, chú trọng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm đàm phán FTA vào các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng cũng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hoá xuất khẩu.
 
Minh chứng việc tận dụng hiệu quả từ các FTA, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua khá ấn tượng, thể hiện ở tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi khá cao và có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại C/O ưu đãi đạt 18 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt nam. Trong đó, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi sang Hàn Quốc đạt 76%, sang Nhật Bản đạt 33%, Trung Quốc đạt 27%.
 
Đặc biệt trong những năm gần đây, xuất khẩu sang các thị trường có FTA liên quan tới Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao. Năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật Bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%....
 
"Vì thế, để phát triển xuất khẩu bền vững các doanh nghiệp cần có chiến lược bền vững. Khi xác định được thị trường chiến lược, mặt hàng chiến lược sẽ  tạo ra biện pháp, kế hoạch để thâm nhập bền vững vào thị trường, thông qua mạng lưới phân phối, hệ thống tiêu thụ tại thị trường đó.”- ông Lê Xuân Dương - Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại)- khuyến nghị.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo