Xuất khẩu da giày 2013: Cơ hội ngang bằng thách thức
Đứng trong nhóm top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, cùng với những tín hiệu vui khi đầu năm, lượng đơn hàng đến dồi dào... nhưng năm 2013 này, ngành da giày sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn do nội lực vẫn còn nhiều điểm yếu. Đặc biệt, theo các chuyên gia trong ngành, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày trong nước nhưng để đạt được những cơ hội ấy không hề đơn giản.
Mở cửa nhiều cơ hội
Có thể khẳng định, nhiều năm trở lại đây, ngành da giày Việt Nam liên tục gây những ngạc nhiên khi liên tiếp đạt được những thành quả đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu. Ở thời điểm này, ngành da giày đã "ghi tên” mình vào trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày. Riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, da giày Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Theo thông tin đến từ Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), năm 2012, EU, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Lefaso cũng đưa đến tin vui, đến nay, nhiều DN đã nhận được đơn hàng cho năm 2013, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II năm nay.
Đặc biệt, theo Lefaso, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2013. "Đơn hàng từ thị trường Mỹ có thể tăng khoảng 10% trong năm nay nhờ tác động tích cực từ TPP” – đại diện Lefaso khẳng định. Tuy nhiên, TPP là cơ hội, song cũng là thách thức lớn đối với các DN ngành da giày bởi, khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi thuế suất.
Đây lại chính là điểm yếu của các DN da giày trong nước bởi chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập nguyên phụ liệu. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt mới chỉ khoảng 40%.
Vẫn chưa thể chủ động nguồn nguyên liệu
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, việc hình thành vùng nguyên phụ liệu nội địa không hề đơn giản khi mà chúng ta đang còn rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Theo ông Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện trong nước mới chỉ có khoảng hơn 40 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuộc da, nguyên phụ liệu. Con số như vậy là quá khiêm tốn với một nước có vị thế xuất khẩu như hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng chỉ ra một loạt những khó khăn về năng lực cạnh tranh cũng như trình độ công nghệ và nguồn nhân lực… mà ngành da giày trong nước đang phải đối mặt.
Có một thực tế là, giày dép là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành nhưng lại không mang thương hiệu Việt Nam bởi chúng ta chủ yếu gia công cho nước ngoài. Do đó, xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng lại không cao.
Nói về lợi thế nguồn nhân lực, ông Quang cho rằng, chúng ta có nguồn lực nhân công rất lớn, có trên 650.000 lao động chưa kể lao động phụ trợ, song lao động có tay nghề, chuyên nghiệp, trình độ cao mới chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại chủ yếu là lao động phổ thông… Đó còn chưa kể, khi những hiệp định TPP, FTA được ký kết, DN da giày trong nước sẽ gặp phải những cạnh tranh gay gắt từ các thế lực kinh tế mạnh trong khu vực và quốc tế.
Một loạt những khó khăn phải đối mặt, trong khi nhiều DN, đặc biệt là những DN trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu lại đang hoạt động rất nhỏ lẻ, manh mún, do đó nguy cơ chúng ta khó có thể cạnh tranh với nguyên liệu giá rẻ đến từ Trung Quốc là điều khó tránh.
Bởi vậy, theo các chuyên gia trong ngành, bản thân các DN cần phải có những nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng để hội nhập, theo đó, cần phải đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị. Điều này, theo ông Ngô Đại Quang, giúp DN vừa giải quyết khả năng tiếp nhận đơn hàng, ổn định chất lượng, vừa giải quyết đời sống cho người lao động, đối phó một cách bền vững với tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay.
Vẫn theo ông Quang, thời gian tới, các DN da giày cần phải chuyển dần từ phương thức gia công sang phương thức mua bán (FOB) để tạo nên mức giá trị gia tăng cao, tạo điều kiện tích lũy tư bản, tái đầu tư, từ đó có sự phát triển nhanh và vững chắc.
Đặc biệt, để có một sự liên kết ổn định giữa các DN, lãnh đạo Lefaso cho rằng, cần sớm xúc tiến hợp tác hình thành khu công nghiệp thuộc da, các cụm công nghiệp nguyên phụ liệu. Đây là yếu tố quan trọng giúp các DN chủ động về nguyên liệu, là nền tảng cho sự phát triển ngành da giày bền vững.
Minh Trí
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo