Xuất khẩu dệt may khởi sắc
Theo Bộ Công Thương, quý I-2013, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, song hoạt động của ngành dệt may tương đối thuận lợi, thị trường XK đang dần hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước nên đơn hàng của các DN cũng có nhiều khả quan.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm, sản xuất của ngành dệt may khá ổn định, tăng trưởng XK tương đối tốt. Chỉ tính riêng trong tháng 3-2013, kim ngạch XK dệt may đạt 1,3 tỉ USD; tính chung 3 tháng đầu năm kim ngạch XK của ngành đạt 3,79 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kì năm 2012. Với mức tăng trưởng này, dệt may tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch XK cao trong cả nước.
Bên cạnh sự tăng trưởng kim ngạch XK, các thị trường XK của ngành dệt may cũng có sự khởi sắc, trong đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng trên 25%, thị trường EU mặc dù tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn đạt mức 13% so với cùng kì năm ngoái.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành dệt may khởi sắc vượt dự đoán là do sự gia tăng mạnh mẽ đơn hàng từ các nhà NK.
Bên cạnh đó, giá XK các sản phẩm dệt may từ đầu năm đến nay cũng hợp lý hơn so với năm 2012, nhờ vậy không chỉ DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả mà thu nhập của người lao động cũng ổn định hơn. Dựa trên kết quả đã đạt được trong quý I và tình hình đơn hàng đã ký cũng như chỉ số tồn kho... của ngành dệt may trong những tháng đầu năm, ông Trường dự báo, trong quý II-2013 ngành dệt may vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng khả quan và mục tiêu tăng trưởng 15% của ngành 6 tháng đầu năm 2013 chắc chắn sẽ đạt được.
Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, tình hình sản xuất, XK hàng dệt may của các DN trên địa bàn thành phố cũng đang có dấu hiệu lạc quan hơn so với năm 2012 do thị trường đang có dấu hiệu phục hồi. Hiện các DN đã có đơn hàng sản xuất ổn định đến hết năm 2013, thậm chí nhiều DN không thể nhận thêm đơn đặt hàng do không đủ năng lực sản xuất. Mặc dù vậy, các DN cũng đang phải đối đầu với không ít khó khăn như: Đơn hàng nhỏ, giá cả cạnh tranh quyết liệt, mọi chi phí đầu vào tăng cao.
Chính vì vậy, để ổn định sản xuất, các DN ngày càng quan tâm hơn đến việc chăm lo cho người lao động. Bên cạnh đó, các DN dệt may tại TP.HCM cũng chuyển dịch sản xuất theo hướng tăng dần tỉ trọng hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) giảm tỉ trọng hàng gia công nhằm gia tăng lợi nhuận từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may Thêu đan TP.HCM cho biết, không chỉ tìm giải pháp duy trì và ổn định sản xuất trong năm 2013, các DN dệt may tại TP.HCM cũng đang tìm cách đón đầu những lợi thế của ngành dệt may Việt Nam khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số Hiệp định thương mại khác sẽ có hiệu lực từ năm 2015. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Hội dệt may Thêu đan TP.HCM, các DN cũng đang từng bước đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất để phù hợp với điều kiện trước mắt và lâu dài.
Theo đó, Hội đang khuyến khích các DN trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm hợp tác, liên kết với nhau để chuẩn bị các điều kiện nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng FOB cũng như chuẩn bị tốt cho việc đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp tới.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song những tín hiệu khả quan của ngành dệt may trong những tháng đầu năm cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với DN vừa và nhỏ đang được triển khai như: Điều chỉnh lãi suất cho vay, miễn, giảm, giãn một số loại thuế sẽ là những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may trong năm nay và các năm tiếp theo.
Công Duy
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo