Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro
Trung Quốc đang trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Song doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo sang thị trường này đang đối mặt với nhiều rủi ro về thanh toán, bị ép giá, hủy hợp đồng...
64% hợp đồng bị hủy đến từ Trung Quốc
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 30/4/2013, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm 2012. Số lượng hợp đồng còn lại giao từ tháng 5 là 2,08 triệu tấn.
Với tình hình như trên, áp lực tồn kho của gạo Việt Nam là không lớn. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu nước ta lại đang chịu sức ép giảm giá, bị dọa hủy hợp đồng rất lớn từ Trung Quốc - thị trường đang chiếm 1/3 lượng gạo xuất khẩu Việt Nam hiện nay.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 1,6 triệu tấn gạo, chiếm gần 1/3 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. “Tuy là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng đứng đầu về việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo. Có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy 4 tháng đầu năm nay là từ Trung Quốc”, ông Phong nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, doanh nghiệp này từng “dính” đòn đau khi giao thương với doanh nghiệp Trung Quốc. Cụ thể, đối tác Trung Quốc đặt hàng đơn vị này giao 10.000 tấn, giao hàng xong sẽ nhận tiền. Tuy nhiên, khi hàng cập cảng Trung Quốc thì đối tác chê gạo không đạt chất lượng và ép giá xuống. Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, doanh nghiệp đành phải bán lỗ lô hàng.
“Trong tình hình nguồn cung gạo thế giới dồi dào như hiện nay, thị trường Trung Quốc là một đầu ra quan trọng. Tuy nhiên, làm ăn với thương nhân Trung Quốc như đùa với lửa, mãi mãi không thể coi đây là thị trường chiến lược xuất khẩu gạo được”, vị giám đốc này nhận định.
Được biết, năm 2012, xuất khẩu gạo nước ta sang Trung Quốc tăng bất thường, đạt 2,2 triệu tấn (gấp 10 lần so với năm 2011), chưa kể hơn 500 tấn xuất khẩu đường tiểu ngạch. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2014, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3 triệu tấn.
Nhiều chiêu ép giá, "chơi bẩn"
Từ năm 2012, VFA đã thành lập Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam, với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn không đưa ra con số nhập khẩu chính thức hàng năm, khiến các doanh nghiệp nước ta luôn bị động khi xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Về hình thức thanh toán, các doanh nghiệp Trung Quốc thường yêu cầu đối tác Việt Nam chở gạo sang Trung Quốc rồi mới nhận tiền. Cách thức thanh toán này không những khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều rủi ro, mà còn luôn đứng trước nguy cơ bị ép giá.
Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho hay, có nhiều trường hợp, thương lái Trung Quốc sang đặt hàng với khối lượng lớn, sau đó… biến mất tăm. Khi doanh nghiệp đang lao đao vì trót ôm khối lượng lớn gạo, thì thương lái đó lại xuất hiện và mặc cả mua gạo với giá rất rẻ.
Chưa kể, theo thông tin từ VFA, có hiện tượng một số doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng vào gạo thơm, sau đó bán dưới mác gạo thơm để trục lợi. Đây không chỉ là hành vi gian lận đơn thuần, mà còn có thể là ý đồ sâu xa làm giảm uy tín gạo Việt Nam, phá vỡ thị trường gạo nước ta.
VFA đã có công văn nghiêm cấm các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay trộn gạo cho doanh nghiệp Trung Quốc. GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải thận trọng với thị trường Trung Quốc, nếu không uy tín của cả ngành sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Theo ý kiến của một chuyên gia ngành ngoại thương, rất có thể, hiện tượng bị ép giá, hoặc hủy hợp đồng là hệ quả của việc tranh nhau bán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Do tranh bán nên thường vội vàng và không nghiên cứu kỹ các điều khoản của hợp đồng ngoại thương, vì vậy, khi xảy ra tranh chấp thường phải chịu thua thiệt.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, nếu khi làm hợp đồng xuất khẩu gạo, cả hai bên bán và mua chấp thuận lập tín dụng thư không hủy ngang và buộc phải thanh toán ngay khi nhận được bộ vận đơn, thì sẽ không thể xảy ra những tình trạng trên. Cũng cần phải nói thêm rằng, việc lập tín dụng thư không hủy ngang và thanh toán như đã nêu trên là một tập quán thương mại quốc tế được hầu hết các nhà xuất nhập khẩu trên thế giới áp dụng.
Được biết, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương và các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo nước ta sang châu Phi tăng tới 22%.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Cột tin quảng cáo