Tin tức - Sự kiện

Xuất khẩu gạo: Siết chặt để mạnh lên!

Bộ Công Thương vừa cấp phép cho 100 DN được xuất khẩu gạo có thời hạn 5 năm.
Số lượng DN được cấp phép lần này giảm nhiều so với trước đây, song vẫn có ý kiến đề nghị quản lý chặt hơn những DN thiếu năng lực, thiếu đầu tư bài bản… Ai không làm tốt thì mạnh dạn rút giấy phép, để thay thế bằng những DN khác mạnh hơn.
 
Loại bỏ những doanh nghiệp yếu
 
UBND các tỉnh ĐBSCL nêu ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem lại việc phân bổ số lượng DN xuất khẩu gạo. Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, là tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa đứng thứ 3 toàn vùng ĐBSCL, nhưng số lượng DN trong tỉnh được cấp phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm lần này chỉ có 6 DN, số lượng quá ít, không đáp ứng được năng lực của tỉnh. Hiện Đồng Tháp còn 9 DN đóng trên địa bàn đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở xay xát, kho chứa, hệ thống sấy, máy lau bóng gạo... theo đúng quy định của Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ. Song, vẫn chưa được cấp giấy xuất khẩu gạo. 
 
Theo ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - việc cấp đầu mối cho 100 DN được xuất khẩu gạo lần này chỉ nên xem như định hướng. Trên thực tế, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, DN nào có năng lực, am hiểu lĩnh vực lúa gạo, làm tốt... thì giữ lại; ai làm không tốt cần loại ngay mà không phải chờ hết hạn 5 năm. Ông Năng cho rằng, nên quy định mỗi DN phải xuất khẩu từ 10.000 tấn gạo/năm trở lên, thì hãy tham gia, còn yếu hơn nên chuyển nghề khác hoặc chỉ là đại lý thu mua cung ứng nguyên liệu. Mặt khác, ngoài cơ sở vật chất, kho chứa, nhà máy xay xát... theo quy định, nên buộc DN xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng lúa nguyên liệu rộng từ 5.000ha trở lên, để họ có trách nhiệm với nông dân. UBND các tỉnh ĐBSCL yêu cầu các DN xuất khẩu gạo tham gia mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, gắn với hợp tác xã và nông dân để cùng xây dựng vùng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo... Bởi lâu nay các DN chỉ mua đứt - bán đoạn, thông qua thương lái thu gom nhiều loại gạo nên chất lượng không đồng nhất. 
 
Xóa tạm trữ, tạo cách làm mới 
 
Chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (từ ngày 20.2) đã kích thích giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL tăng lên 4.400 đồng/kg (lúa tươi loại thường) và từ 4.500 - 4.600 đồng/kg (lúa tươi hạt dài)... Đầu ra hạt lúa được khơi thông so với thời điểm đầu vụ đông xuân, song nhiều người vẫn trăn trở về cơ chế thu mua tạm trữ. Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An - cho rằng: “Mùa vụ canh tác, diện tích, sản lượng lúa... gần như đã biết trước. Tại sao năm nào chúng ta cũng phải vất vả chuyện mua tạm trữ để nâng giá lúa cho nông dân. Điều này cho thấy các DN kinh doanh lương thực và ngành thương mại chưa chủ động tốt đầu ra”. Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đặt vấn đề: “Nên xem việc mua tạm trữ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài cần cái nhìn dài hạn căn cơ hơn để giải quyết tốt bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo”. 
 
Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các DN mua gạo tạm trữ như hiện nay. Bởi từng DN khi tham gia xuất khẩu gạo thì phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình và cần có trách nhiệm với nông dân. Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số DN ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho DN mua gạo tạm trữ thì nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn. Ông Thòn đề xuất mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cho thấy hướng đi đúng. Nông dân từ sản xuất riêng lẻ, manh mún, được quy tụ lại thành vùng sản xuất lớn, được DN hỗ trợ các sản phẩm đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu... giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng. Quá trình canh tác có kỹ sư giúp về chuyên môn, khi thu hoạch được bao tiêu đầu ra. “Cánh đồng mẫu lớn” không chỉ giảm được chi phí đầu tư, tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt gạo... mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu gạo, truy xuất được nguồn gốc nhờ quản lý chặt đầu vào - đầu ra. 
 
Ông Thòn lý giải, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ gạo khó tính nhất trên thế giới. Thế nhưng, từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” do AGPPS đầu tư, đã đáp ứng được 593 chỉ tiêu khắt khe để đưa gạo Việt vào thị trường Nhật Bản với giá cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng. Điều này cho thấy, nếu quyết tâm, mạnh dạn thay đổi cách làm bài bản, căn cơ hơn, liên kết chặt với nhau thì sẽ thành công. Và giá trị hạt gạo sẽ được nâng lên, lợi nhuận mà nông dân thu được từ cây lúa cũng nhiều hơn. Đây là cách tốt nhất để phát triển lúa gạo bền vững.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo LĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo