Xuất khẩu hưởng lợi nhờ dầu giảm giá
Giá dầu thế giới giảm sâu sẽ tác động mạnh tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, xét về tổng thể, giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Giá dầu thô thế giới khó hồi phục
Tại cuộc tọa đàm khoa học “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam”do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng thị trường năng lượng thế giới đang và sẽ diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán.
Trong nửa năm, giá dầu thế giới đã "bốc hơi" hơn 50%, từ mức trên 100 USD/thùng vào giữa tháng 7/2014 xuống chỉ còn trên dưới 50 USD/thùng như hiện nay. Đây được coi là cú sốc của ngành dầu khí thế giới.
Tuy nhiên, trong lịch sử ngành năng lượng, thế giới đã trải qua rất nhiều giai đoạn khủng hoảng. Theo ông Lê Việt Trung- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí- Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, thời gian của các cú sốc giá dầu trong lịch sử rất khác nhau. Năm 2008, giá dầu thô có lúc lên đến 140 USD/thùng rồi nhanh chóng lao dốc xuống 40 USD/thùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 1998 lại kéo dài tới 501 ngày.
Dù các cú sốc giá dầu đã không còn là chuyện hiếm, song cuộc khủng hoảng hiện nay lại rất phức tạp bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, ông Trung cho rằng, lượng cung hiện vẫn lớn hơn lượng cầu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày và dự báo trong tương lai ngắn hạn, xu hướng này vẫn chưa thay đổi.
Trước đây, OPEC “độc quyền” thống lĩnh lượng cung mặt hàng này. Tuy nhiên hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Chuyện cắt giảm hay tăng sản lượng để tăng hoặc giảm giá giờ không chỉ OPEC có quyền định đoạt. Đặc biệt, ngành năng lượng của Hoa Kỳ có công nghệ rất cao với các nhà máy sản xuất dầu từ đá phiến. Từ 600 giếng vào năm 2008, đến nay quốc gia này có tới 1.600-1.800 cơ sở sản xuất dầu từ đá phiến. Công nghệ này cho phép sản xuất dầu với sản lượng rất lớn nhưng giá thành sản phẩm lại thấp.
Hơn nữa, ông Trung cho biết, trong khi các giếng khoan ngoài khơi phải xây dựng trong thời gian rất lâu, chi phí lắp lớn, việc tạm dừng hoạt động hoặc tái khởi động rất phức tạp, thì các nhà máy của Mỹ lại nhỏ gọn, thời gian xây dựng nhanh, việc cắt giảm sản lượng hay tạm dừng hoạt động rất đơn giản. Do vậy, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể chủ động và dễ dàng thay đổi sản lượng, nguồn cung cho thế giới.
“Người khóc kẻ cười”
Cuộc khủng hoảng lần này đang khiến các tập đoàn dầu khí trên thế giới thiệt hại nặng nề. Nhiều “ông lớn” đã phải thực hiện cắt giảm đầu tư như ConocoPhillips giảm 20%,Total 10%; Tập đoàn BP hàng đầu của Anh đã quyết định cắt 1 tỷ USD chi phí cho nhân sự.
Giá dầu giảm đang tác động mạnh tới dòng tiền của doanh nghiệp. Ông Trung chia sẻ, nếu giá trong trung hạn là 70 USD/thùng thì việc đầu tư vẫn sẽ bị ngưng lại. Tại Việt Nam, mỗi thùng dầu giảm 1 USD, doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ bị mất 2,5 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, cú sốc giá dầu lần này lại tác động tích cực tới nhiều nền kinh tế đặc biệt là các đang phát triển và các nước mới nổi. Theo nhiều đánh giá quốc tế, dầu giảm 20 USD/thùng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế thêm 0,4%.
Theo nghiên cứu của NCIF, nếu giá dầu thế giới trung bình ở mức 56,88 USD/thùng, thương mại thế giới sẽ tăng được 5,6%.
Ông Lương Văn Khôi – Trưởng Ban Kinh tế thế giới, NCIF- cho biết, dựa trên kết quả tính toán theo mô hình NiGem, việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động không quá lớn tới kinh tế Việt Nam. Theo nghiên cứu của NCIF, mặc dù ngân sách quốc gia sẽ bị sụt giảm nhưng nếu Việt Nam có thể dùng các chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến lãi suất cho vay hay tăng thuế VAT, ngân sách có thể được bù đắp tương đối. Ông Khôi phân tích, nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng, khi được kết hợp với việc giảm lãi suất cho vay, GDP của Việt Nam sẽ được thêm 0,91 điểm %.
Đặc biệt, nhờ giá dầu giảm khiến chi phí sản xuất giảm, giá thành sản phẩm ở mức thấp sẽ kích thích tiêu dùng. Từ đó, tiêu dùng và sản xuất đều có động lực mạnh mẽ để phát triển. Ông Khôi dự đoán, nhu cầu tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam tăng lên mà nhu cầu của các thị trường trên toàn thế giới đều sẽ tăng trưởng khởi sắc.
Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - ở kịch bản giá dầu ở mức 50 USD/thùng- sẽ tăng thêm 2,9 điểm %. Cũng ở mức giá dầu này và với điều kiện giảm lãi suất cho vay, tổng thu thuế của nhà nước chỉ giảm 3.137 tỷ đồng.
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
Cột tin quảng cáo