Thị trường

Xuất khẩu lao động đóng băng

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng”.

 

 

 

Mất thị trường Hàn Quốc


Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã chính thức có văn bản gửi Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Việt Nam thông báo việc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.


Đây là quyết định, đã được phía Hàn Quốc cảnh báo từ lâu, do tình trạng lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc gia tăng, trong khi phía Việt Nam không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.


Trước thông tin này, hàng ngàn gia đình có con em đã thi đỗ các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong các năm 2010 và 2011 đang ngồi trên lửa.


Anh Hoàng Phong, sinh 1983, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 12/2011. Hiện, hồ sơ của anh Phong đã được đưa lên mạng và treo từ đó đến giờ.


“Để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền đi học tiếng Hàn, ra Hà Nội học giáo dục định hướng. Giờ nếu không được đi, khoản tiền vay sẽ lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất” - anh Phong nói.


Hơn 12.000 lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc đang bị treo hồ sơ trên mạng đang rất hoang mang.


Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, thời điểm tháng 6/2012, lao động bất hợp pháp của Việt Nam chiếm tới 54%, tương đương với 11.000 người.


Thực tế, Hàn Quốc đã thay đổi chính sách, không ưu tiên hạn ngạch lớn cho Việt Nam nữa.


Nếu như trước đây, lao động các nước được tiếp nhận nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sử dụng lao động phía Hàn Quốc thì bây giờ phụ thuộc vào tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao hay thấp.


Trong khi đó, lao động bất hợp pháp của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số 15 nước.


Thị trường Nhật Bản, Đài Loan ngắc ngoải


Mục tiêu mà Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đưa ra từ đầu năm là sẽ đưa 90.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số liệu 9 tháng đầu năm vẫn chưa được Cục quản lý lao động ngoài nước công bố.


Trong khi đó, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, cả nước đưa được 40.115 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 44,6% so với kế hoạch.


Trong đó, thị trường Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục tuột dốc khi chỉ tiếp nhận được 14.005 lao động và 3.982 lao động.


Trong khi thị trường Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động mới, Nhật Bản tiếp nhận nhỏ giọt thì Đài Loan lại đang bùng nhùng khi tình trạng loạn phí vẫn chưa được xử lý dứt điểm.


Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn cho các công ty nước ngoài của Đài Loan, Trung Quốc hay cá nhân Việt Nam mượn giấy phép để hoạt động.


Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thanh Hoà, tình trạng bán cái dù đã giảm nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn vì doanh nghiệp hoạt động rất tinh vi.

 

xuat-khau-lao-dong,doanh-nghiep-hoi-nhap

Người lao động làm thủ tục đi xuất khẩu lao động 

 

Hiện, Đài Loan cũng đang đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát tình hình thu phí của các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam.


Vì nếu để tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, giành giật đơn hàng, nâng mức chi phí phải đóng của người lao động trước khi đi lên cao, nguy cơ Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.


Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, chủ sử dụng lao động Nhật Bản và Đài Loan hiện giờ rất ngại sử dụng lao động Việt Nam.


Đây là hai thị trường truyền thống của Việt Nam nhưng chúng ta không có biện pháp để gìn giữ khiến hình ảnh lao động Việt Nam ngày càng lụi tàn.


“Giờ người lao động đã tẩy chay thị trường Malaysia. Thị trường Bắc Phi khủng hoảng nên 6 quốc gia vùng Trung Đông (Kuwait, Bahrain, Arab Saudi, Oman, Qatar, UAE) chưa có nhu cầu tiếp nhận lao động trở lại. Người lao động trông chờ vào các thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan thì cả ba lại đang đóng băng” - vị giám đốc nói.


Với các thị trường mới, dù các doanh nghiệp tích cực mở rộng nhưng số lượng lao động đưa đi được cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Australia, New Zealand, Canada và một số nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển.


Điều lo lắng nhất hiện nay là hàng loạt doanh nghiệp đã trả giấy phép xuất khẩu lao động cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội.


Chủ tịch HĐQT một Công ty xuất khẩu lao động cho biết, đa số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang trong tình trạng “chết lâm sàng”, không có tiền trả lương nhân viên.


“Lao động giờ chỉ thích đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, còn các thị trường khác thì coi như đã chết vì thu nhập thấp, rủi ro. Các tháng gần đây, lao động cũng không có để tuyển mà đối tác cũng không sang Việt Nam tuyển, đặc biệt là các chủ sử dụng đến từ Nhật Bản”- vị chủ tịch nói.

 

Dừng tiếp nhận 12.000 lao động mới


Ngày 5/10, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã gửi Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Việt Nam văn bản thông báo về việc tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam (EPS).


Như vậy, hơn 12.000 lao động (đã thi đỗ tiếng Hàn) hiện đang treo hồ sơ trên mạng chờ chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn, chỉ được sang Hàn Quốc làm việc khi Chương trình EPS được đại diện Chính phủ hai nước ký kết lại.


Tuy nhiên, theo ông Choi Byung Gie, Tổng giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam (thuộc HRD), lao động Việt Nam về nước đúng hạn và lao động trung thành vẫn được sang Hàn Quốc làm việc.



Theo Tiền Phong

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo