Xuất khẩu lao động, giấc mộng đổi đời
Cả nhà cùng đi xuất khẩu lao động
Anh Nguyễn Kiều Công, quê Phúc Thọ - Hà Nội là người thứ tư trong gia đình có bốn người con trai đều đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Ba người anh trước đó của Công: anh cả và anh hai đang làm việc ở Hàn Quốc, anh ba đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Và cách đây 2 tháng, Công cũng chia tay gia đình để sang làm việc tại Đài Loan.
Công chia sẻ: Ba anh lớn nhà mình đều đi xuất khẩu lao động nước ngoài, nên mình muốn ở lại quê nhà cùng bố mẹ. Thế nhưng cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn.
Công đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng trường Đại học Tài chính và Quản trị kinh doanh, sau hai năm ra trường mình vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.
Trở về quê sau ba năm học tập tại Hà Nội, Công đã từng đi làm tiếp thị cho một số hãng kẹo, sữa. Công việc này quá vất vả, anh thường xuyên phải đi lại trên đường trong khi mức lương không đủ để trang trải cho cuộc sống. Còn việc đồng áng thì nặng nhọc mà không mang lại thu nhập cao. Vì vậy, dù không muốn, Công phải tạm xa gia đình, người thân, bạn bè để theo con đường của các anh.
Kể về các anh của mình, Công cho hay: anh trai cả sang Hàn Quốc cách đây 4 năm. Khi ấy, gia đình rất lo lắng bởi chi phí cho một suất lao động làm việc tại Hàn Quốc là 300 triệu. Đó là một số tiền khổng lồ đối với bố mẹ Công vì gia đình anh là một gia đình thuần nông, không thể có được số tiền nhiều như vậy. Hầu hết số tiền đó do bố mẹ anh đều đi vay nợ ngân hàng và người thân. Hơn nữa, gia đình anh phải đối mặt với những rủi ro không may trong quá trình đi có thể sẽ mất trắng số tiền đó.
May mắn, sau một thời gian làm quen với môi trường sống và làm việc tại Hàn Quốc, thu nhập của anh cả Công đã lên đến gần 2 triệu won/tháng (tương đương với hơn 40 triệu đồng tiền Việt Nam).
Nhận thấy công việc không vất vả lại có thu nhập ở mức tương đối cao, anh trai cả của Công đã kéo anh trai thứ hai sang Hàn Quốc làm việc. Đến tháng 10/2013, anh trai ba của Công cũng chọn con đường sang Nhật học tập và làm việc.
Và cách đây 2 tháng, Công, người con út trong gia đình lại theo chân các anh tìm sang miền đất xa xôi nơi Đài Loan làm việc.
Chỉ vài chục triệu cũng có thể đi xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động, có thể mất đến vài trăm triệu (từ 100 triệu đến 400 triệu) để sang một số nước phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản,… Nhưng một số người không có nhiều tiền, chỉ với vài chục triệu, họ có thể sang một số nước Trung Đông hay châu Á làm việc như: Malaysia, Qatar, Indonesia…
Và tất nhiên, đến làm việc tại những nước đang phát triển thì thu nhập sẽ ở mức thấp hơn.
Anh Kiều Doãn Hòa, Thạch Thất – Hà Nội chỉ bỏ ra chi phí là 25 triệu để có thể sang làm công nhân xây dựng tại Qatar. Anh cho biết: công việc ở đây không quá vất vả như ở Việt Nam. Thu nhập một tháng bình thường là 6 đến 7 triệu.
Mỗi tuần làm việc sẽ có một ngày nghỉ. Nếu làm thêm giờ, có tháng được thu nhập trên dưới 10 triệu. Tuy nhiên, một số tháng không được nhận việc làm thêm ngoài giờ, thu nhập chỉ gói gọn trong mức lương cơ bản.
Thu nhập dù thấp nhưng vẫn hơn ở nhà làm ruộng
Ở một số địa phương, nhiều người đã có gia đình vẫn chọn con đường xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc.
Chị Nguyễn Thị Thịnh, người dân xã Tích Giang – Phúc Thọ - Hà Nội đã có gia đình cùng một cậu con trai 3 tuổi. Tuy nhiên, khi tại địa phương có đợt tuyển công nhân lao động tại Malaysia, chị quyết định chấp nhận xa quê, nhờ ông bà chăm sóc con trai ở nhà. Nhiều khi gọi về gia đình, chị không cầm nổi những giọt nước mắt vì nhớ con, nhớ gia đình, nhớ quê hương.
Chị Thịnh chia sẻ: “Ở quê, tôi chỉ có vài sào ruộng. Cắm mặt vào mấy sào lúa, sào rau ấy không đủ chi phí để nuôi con. Chồng tôi đi làm thuê ở nhà. Vì vậy có đợt tuyển lao động nữ sang Malaysia, tôi đành chấp nhận phải xa gia đình, đi xuất khẩu lao động và gửi tiền về cho gia đình nuôi con. Dù mức lương ở đây chỉ vào khoảng trên dưới 7 triệu nhưng đó vẫn là mức thu nhập khá hơn so với lao động ở quê rất nhiểu”.
Theo chị Thịnh, đợt tuyển công nhân sang làm việc tại Malaysia, ở xã chị có tổng số 20 người cùng sang. Trong đó có đến 9 người đã có gia đình và con nhỏ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đi xuất khẩu lao động đều vững niềm tin ở lại làm việc cho đến hết thời hạn của hợp đồng.
Chị Thịnh cho hay: đã có 2 chị trong nhóm xuất khẩu lao động sang Malaysia cùng đợt với chị, phần vì không quen được với môi trường mới, phần vì không chịu được cảnh xa xứ, nhớ quê nên đã tự ý hủy hợp đồng để trở về nước với gia đình. Những trường hợp như vậy gần như bị mất trắng số tiền ban đầu làm hồ sơ và hợp đồng, chưa kể còn có thể bị phạt do tự ý hủy hợp đồng.
Đối với những người lựa chọn xuất khẩu lao động là con đường lập nghiệp của mình, đôi khi họ phải đánh cược cả tương lai của mình vào đó. Có thể sẽ trở về nước với những đồng vốn ban đầu để tiếp tục lao động sản xuất ở quê, cũng có thể là sẽ mất trắng tất cả nếu có rủi ro.
Tuy nhiên, khi cơ hội có được một công việc trong nước quá nhiều khó khăn thì xuất khẩu lao động là một con đường mở ra những hi vọng tốt đẹp cho nhiều người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên